Sứ mệnh hòa bình

Đảng Baath cầm quyền ở Xy-ri và các đảng liên minh đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây. Kết quả này cho thấy, cử tri Xy-ri tiếp tục dành sự tin tưởng và ủng hộ to lớn đối với Tổng thống B.Át-xát để ông tiếp tục thực hiện mục tiêu “xóa sổ” các tổ chức khủng bố, thống nhất và tái thiết đất nước sau hơn chín năm nội chiến. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của chính quyền Đa-mát còn đầy chông gai bởi phải đối mặt suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
 

Theo Ủy ban bầu cử Xy-ri, đảng Baath của đương kim Tổng thống B.Át-xát và các đồng minh đã giành 177 trong tổng số 250 ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội thứ ba tại Xy-ri kể từ khi nội chiến bùng nổ năm 2011. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh lực lượng Chính phủ Xy-ri đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ vốn trước đó rơi vào tay lực lượng phiến quân. Hiện Chính phủ Xy-ri kiểm soát 70% lãnh thổ, trong khi lực lượng nổi dậy kiểm soát tỉnh Ít-líp ở tây bắc và Các lực lượng dân chủ Xy-ri (SDF) của người Cuốc kiểm soát khu vực đông bắc. Nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và hứng chịu các lệnh trừng phạt khiến Xy-ri đối mặt khó khăn chồng chất. Dịch Covid-19 bùng phát, giá trị đồng nội tệ rơi tự do, giá cả các mặt hàng quan trọng và lạm phát tăng mạnh là những thách thức kinh tế không nhỏ. Chính quyền Đa-mát vừa phải đối phó các tổ chức khủng bố, nổi dậy, vừa phải giải quyết khó khăn kinh tế.
 
 Sau khi liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, quân đội Xy-ri tiếp tục đánh vào những sào huyệt cuối cùng của các tổ chức khủng bố nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước. Gần đây, đơn vị số 5 của quân đội Xy-ri, được Nga hậu thuẫn, đã điều số lượng lớn quân tiếp viện đến các khu vực nông thôn phía nam của tỉnh Ít-líp. Quân tiếp viện, bao gồm cả các đơn vị bộ binh và vũ khí hạng nặng, đã được điều động đến ngoại ô vùng Gia-ban An Da-uy-ê ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường Xy-ri còn phức tạp bởi sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì quân đội ở bên trong lãnh thổ Xy-ri nhằm chống lực lượng người Cuốc. Mỹ cũng điều thêm binh sĩ từ quốc gia láng giềng I-rắc vào nhiều khu vực ở đông-bắc Xy-ri để tăng cường cho các lực lượng Mỹ tại khu vực này. Trong khi đó, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) gia tăng các cuộc tiến công nhằm vào lực lượng của Chính phủ Xy-ri tại khu vực sa mạc ở miền đông nước này.
 
 
 Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Xy-ri cũng là một trong những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất bởi nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra hậu quả khôn lường, đe dọa sự ổn định của toàn khu vực. Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), giá hàng hóa tại Xy-ri hiện tăng 200% so với một năm trước, khiến 9,3 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Tại khu vực tây bắc Xy-ri, có tới 70% dân số cần hỗ trợ nhân đạo, còn tại vùng đông bắc, hàng hóa, y tế thiếu hụt nghiêm trọng. Một thực tế ở Xy-ri hiện nay là, hơn 90% dân số nước này sống dưới ngưỡng nghèo đói với thu nhập hai USD/ngày. Chưa tới một nửa số bệnh viện công ở Xy-ri còn hoạt động trong khi một nửa số nhân viên y tế đã đi lánh nạn.
 
 Cuộc xung đột kéo dài tại Xy-ri khiến hơn 380.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Trước nguy cơ về một làn sóng di cư mới từ Xy-ri, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết cho phép nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Xy-ri. Theo đó, các chương trình cứu trợ cho Xy-ri kéo dài thêm một năm, đến ngày 10-7-2021 và thông qua cửa khẩu Báp An Ha-oa dẫn tới tỉnh Ít-líp. LHQ cùng các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác để đưa hàng hóa cứu trợ đến tay người dân Xy-ri.
 
 Cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Xy-ri, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đồng thời tái khẳng định quan điểm rằng, tương lai của Xy-ri do chính người dân Xy-ri quyết định. Bởi thế, việc đảng Baath cầm quyền và các đảng liên minh giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua khẳng định nguyện vọng của đông đảo cử tri Xy-ri muốn tiếp tục trao cho Tổng thống B.Át-xát “sứ mệnh” thống nhất đất nước và thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông, dù chính quyền Đa-mát còn đứng trước nhiều thách thức.