Sự lựa chọn quan trọng

Hôm nay (15-9), hơn bảy triệu cử tri Tunisia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là cơ hội để cử tri lựa chọn người đứng đầu Nhà nước tiếp tục “chèo lái con thuyền” Tunisia vượt qua sóng gió của thời kỳ chuyển đổi dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này kể từ sau “Mùa xuân A-rập”.

Tham gia vòng 1 cuộc đua giành ghế tổng thống có 26 ứng cử viên đến từ các đảng phái chính trị ở Tunisia. Thủ tướng Tunisia Y.Chahed là một trong những ứng cử viên nặng ký chạy đua trong cuộc bầu cử lần này. Được xem là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Tunisia, ông Chahed, 43 tuổi, phải cạnh tranh với ứng viên A. Mourou của đảng Hồi giáo Ennahdha và ông N.Karoui, còn được biết là “ông trùm ngành truyền thông”. Ra mắt vào đầu năm 2019, nhưng đảng Tahya Tounes của Thủ tướng Y.Chahed đã nhanh chóng trở thành thế lực lớn thứ hai trong quốc hội Tunisia, sau đảng Ennahdha. Ông Chahed khẳng định, cương vị Tổng thống Tunisia là một trách nhiệm to lớn và quốc gia này cần một nhà lãnh đạo có thể thay đổi hệ thống pháp lý và các thông lệ đã lỗi thời. Quan điểm tranh cử của ông là mong muốn phá vỡ những bất cập của hệ thống cũ, mang đến cơ hội cho tất cả người dân Tunisia, nhất là những người trẻ tuổi, được đảm nhiệm những vị trí quan trọng của đất nước.

Là nơi khởi nguồn của làn sóng biểu tình ở các nước Bắc Phi trong cuộc chính biến Mùa xuân A-rập hồi năm 2011, nhưng Tunisia được coi là quốc gia duy nhất thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi dân chủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tunisia thường xuyên đối mặt mối đe dọa an ninh từ các vụ tiến công khủng bố, cùng với khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội, khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Nền kinh tế Tunisia có lúc bên bờ vực sụp đổ khi các cuộc tiến công khủng bố tàn phá ngành du lịch quan trọng của nước này. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia đã tăng từ 12% của thời điểm trước khi xảy ra cuộc chính biến “Mùa xuân A-rập” lên 15,2%, trong khi ở một số thành phố, tỷ lệ này còn lên tới khoảng 30%, với tình trạng nghèo đói trầm trọng hơn do các dịch vụ công cộng nghèo nàn. Việc chính phủ phải đưa ra chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và tăng giá nhiên liệu đã gây ra sự thất vọng trong nhiều người, thổi bùng thành các cuộc đình công ở Tunisia, gây lo ngại về sự bất ổn của quốc gia này.

Ngoài những khó khăn kinh tế, một trong những thách thức lớn hiện nay Tunisia đối mặt là cuộc đấu tranh chống các phần tử khủng bố. Các lực lượng Tunisia cũng phải chiến đấu chống các nhóm phiến quân hoạt động tại những khu vực hẻo lánh gần biên giới Algeria sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Ben A-li năm 2011. Mối đe dọa an ninh đã buộc Tổng thống lâm thời của Tunisia M.Ên-na-cơ phải quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này đến cuối năm nay. Tình trạng khẩn cấp tại Tunisia được ban bố lần đầu vào ngày 24-11-2015, sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào một chiếc xe buýt chở các cận vệ của Tổng thống, khiến 12 người trong số đó thiệt mạng. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn khiến bất ổn gia tăng tại nước này. Chính phủ Tunisia phải cắt giảm thâm hụt ngân sách trong khi phải chuyển nguồn tài chính nhiều hơn cho việc bảo đảm an ninh.

Trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở Tunisia tiếp diễn, các ứng cử viên tổng thống đều tập trung cho các ưu tiên về kinh tế và an ninh. Quốc gia Bắc Phi này cần cải thiện tình hình an ninh để thu hút khách du lịch trở lại cũng như lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Là một trong những quốc gia ở tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng hoảng người di cư ở khu vực Địa Trung Hải, Tunisia đang nỗ lực chứng minh là đối tác hiệu quả của EU trong vấn đề này. EU đã thông báo cử phái đoàn quan sát viên gồm khoảng 100 người tới Tunisia tham gia giám sát bầu cử. Phái đoàn EU do Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu M.Ca-xtan-đô đứng đầu, theo sát các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp Tunisia. Liên đoàn A-rập (AL) cũng cử một phái đoàn quan sát viên đến Tunisia để giám sát cuộc bầu cử tổng thống.

Với những nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, Chính phủ Tunisia đang nỗ lực để đạt mục tiêu thâm hụt tài khóa ở mức 3% GDP trong năm tới, so với khoảng 3,9% hiện nay và mức 7,4% của ba năm trước, trong khi lạm phát sẽ giảm từ mức 7,8% năm ngoái xuống còn khoảng 5% vào cuối năm tới. Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 của Tunisia sẽ được công bố vào ngày 17-9 và vòng 2 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng hai tuần sau đó. Dù ứng cử viên nào giành được sự ủng hộ của cử tri thì cũng sẽ là người được kỳ vọng có đủ năng lực để lãnh đạo đất nước Tunisia tiếp tục tiến hành những chính sách cải cách, bước tiếp trên con đường dân chủ mà người dân Tunisia đã lựa chọn kể từ “cuộc cách mạng hoa nhài” nổ ra ở quốc gia này chín mùa xuân trước.