Sống chung với “rào cản”

Kinh tế thế giới đang đối mặt với tương lai mà ở đó tự do thương mại vấp phải nhiều rào cản và biện pháp thuế quan hơn so với 80 năm qua. Trong bối cảnh các nền kinh tế phải “sống chung” với rào cản thương mại, giới phân tích quan ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm mạnh.

Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại thành phố Xanh Lu-ít trong phát biểu trước báo giới mới đây đã bày tỏ quan ngại rằng, kinh tế thế giới đang đối mặt với tương lai mà ở đó “tự do thương mại vấp phải nhiều rào cản và biện pháp thuế quan” hơn so với 80 năm qua. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc lại gia tăng từ tháng 8 đến nay và ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình hình này sẽ kéo dài. Điều đáng lo ngại là các rào cản thương mại có thể sẽ có hiệu lực trong một thời gian nữa. Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang hiện nay là một xu hướng hoàn toàn trái ngược với xu thế ủng hộ tự do thương mại đã tồn tại ở Mỹ suốt 75 năm qua. Vì vậy, các bên cần chuẩn bị cho một tương lai đối mặt với những mức thuế cao hơn và nhiều rào cản phi thuế quan hơn những gì từng diễn ra trong lịch sử.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc liên tục suy giảm và đạt dưới mức 6,2% trong quý III-2019. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ trong quý II đã tăng trưởng chậm lại do hoạt động sản xuất và xuất khẩu đều sụt giảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu của các nước đối với hàng hóa từ Mỹ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc các nhà máy ở Mỹ bán được ít ô-tô, linh kiện và thiết bị hơn. Ngành chế tạo cũng sản xuất ít hơn, trong khi hoạt động bán lẻ và bán buôn trở nên trầm lắng. Nguồn thu từ du lịch, chủ yếu là các du khách và sinh viên nước ngoài, giảm sút.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản gần đây cũng đặt hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này trước tương lai u ám. Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây nhận định sự yếu kém vẫn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu của nước này. Xuất khẩu của Nhật Bản sang các nước châu Á trì trệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm lại cùng với nhu cầu về các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh giảm sút. Trong khi đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P vừa cảnh báo kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn nữa nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản gia tăng. Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 11,7% xuống còn 44,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018 và đây là tháng thứ 10 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu nước này giảm sút.

Các chính trị gia và chuyên gia kinh tế gần đây đã liên tiếp bày tỏ quan ngại việc chiến tranh thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ “phủ bóng đen” lên tăng trưởng kinh tế thế giới. Tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.Gioóc-giê-va trong phát biểu lần đầu tiên với vai trò của người đứng đầu IMF gần đây đã cảnh báo rằng, cuộc cạnh tranh thương mại căng thẳng đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua. Bà C.Gioóc-giê-va dẫn nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy những tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu mất đi 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP, cao hơn so với dự báo trước đó. Bà nhận định kinh tế thế giới đang đồng loạt giảm tốc, với gần 90% số các nước trên thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay. IMF cũng vừa tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống mức 3,2% và 3,5%. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong phát biểu tại Liên hợp quốc mới đây cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ có thể đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái.

Mặc dù vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa diễn ra đạt được một số kết quả tích cực, song phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh rất khó đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện. Các xung đột thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản, Mỹ - Liên hiệp châu Âu (EU)... vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong bối cảnh nêu trên, thế giới sẽ phải tiếp tục “sống chung với rào cản thương mại” và chấp nhận một thực tế là môi trường thương mại toàn cầu sẽ không còn được tự do như những thập kỷ vừa qua.