Sau cơn mưa trời lại sáng

Việc ba quốc gia A-rập ở vùng Vịnh (A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất - UAE, Ba-ren) và Ai Cập nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Ca-ta là bước đột phá làm tan băng quan hệ giữa hai bên, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài hơn ba năm qua. Tuy nhiên, chặng đường tiến tới nối lại quan hệ ngoại giao giữa các nước đòi hỏi nhiều thời gian hơn để có được lòng tin lẫn nhau. Khối các nước A-rập còn không ít việc phải làm nhằm hàn gắn rạn nứt, tăng cường đoàn kết để ổn định và phát triển.

Hội nghị cấp cao Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 diễn ra tại A-rập Xê-út mới đây đã chứng kiến một thành tựu vô cùng quan trọng trong nỗ lực khai thông bế tắc cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Một bản thỏa thuận “đoàn kết và ổn định” đã được ký giữa các nước GCC và Ai Cập với Ca-ta. Cùng với văn kiện khác được ký kết, Ca-ta và bốn quốc gia A-rập vốn mâu thuẫn với Đô-ha, đã nhất trí nối lại các hoạt động giao thông và thương mại giữa hai bên. Đô-ha cho biết, đã nhất trí đình chỉ các vụ việc pháp lý liên quan việc nước này bị tẩy chay, cũng như nối lại hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. A-rập Xê-út và Ca-ta đồng ý mở lại cửa biên giới và không phận, khơi thông dòng chảy thương mại trong khu vực. Biên giới trên bộ duy nhất của Ca-ta hầu như bị đóng cửa kể từ giữa năm 2017, khi bốn quốc gia A-rập tiến hành phong tỏa nhằm chống Ca-ta với cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này ủng hộ các nhóm Hồi giáo trong khu vực và có quan hệ “nồng ấm” với I-ran.

Các thỏa thuận hàn gắn quan hệ giữa các nước A-rập diễn ra trong bối cảnh GCC muốn dẹp bỏ bất đồng trong nhóm để cùng nhau hợp tác nhằm đối phó những thách thức chung ở khu vực. Được thành lập năm 1981, GCC mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, như thiết lập thị trường chung, thành lập liên minh thuế quan, chia sẻ tiền tệ, tự do hóa thị trường lao động… Cùng sở hữu những mỏ dầu khổng lồ, chiếm tới 30% tổng trữ lượng của thế giới, nền kinh tế các nước GCC phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu khí. Việc xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao dẫn tới các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau khiến các nước trong khu vực gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế các nước GCC chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhu cầu dầu mỏ và giá dầu suy giảm. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng, hai bên cần tiếp tục có các biện pháp xây dựng lòng tin, trong bối cảnh còn nhiều khác biệt cần giải quyết, trong đó bao gồm các vấn đề địa chính trị như tình hình Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm Hồi giáo như Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế hoan nghênh thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ giữa ba quốc gia A-rập ở vùng Vịnh và Ai Cập với Ca-ta, coi đây là bước đi cần thiết vì sự ổn định của khu vực. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) cho rằng, bất kỳ động thái hiệu quả nào nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các nước A-rập và thúc đẩy trật tự chung đều đáng hoan nghênh vì điều này sẽ tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của tổ chức liên minh các nước A-rập. Liên minh châu Phi (AU) đánh giá cao nỗ lực của Cô-oét trong vai trò trung gian hòa giải, góp phần quan trọng xây dựng nền hòa bình chung ở khu vực và coi đây là “chìa khóa” cho việc cải thiện quan hệ giữa châu Phi và các quốc gia vùng Vịnh. Liên hiệp châu Âu (EU) khẳng định, những kết quả ngoại giao tích cực mới đây sẽ thúc đẩy việc khôi phục sự thống nhất của GCC và hướng tới nối lại sự hợp tác đầy đủ của các thành viên trong tổ chức. EU ủng hộ thúc đẩy một giải pháp đàm phán liên vùng Vịnh.

Mặc dù các thỏa thuận mới ký kết chưa đưa ra được giải pháp và cam kết cụ thể, song cũng tạo tiền đề quan trọng cho những nỗ lực tiếp theo nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Động thái mới này đã khép lại một trang đen tối trong lịch sử quan hệ của các quốc gia trong GCC, khích lệ các nước trong khu vực tiếp tục những bước đi đúng hướng nhằm hàn gắn rạn nứt, góp phần mang đến sự thống nhất cho toàn khối A-rập. Xu thế hòa giải hiện nay cần được thúc đẩy thông qua các biện pháp xây dựng và củng cố lòng tin. Bầu không khí tích cực ở khu vực khiến người dân vùng Vịnh kỳ vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”.