Ðối thoại và hợp tác

Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS- gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa được tổ chức tại thủ đô Brasilia của Brazil. Lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã ký tuyên bố chung với cam kết tiếp tục tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các nhà nước có chủ quyền nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 11 họp tại thủ đô Brasilia của Brazil trong hai ngày 13 và 14-11 với sự tham gia của Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil J.Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Ðộ N.Modi và Tổng thống Nam Phi S.Ramaphosa. Sau hai ngày họp, các nhà lãnh đạo BRICS đã ký Tuyên bố chung gồm 73 điểm, chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời khẳng định quyết tâm hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua "những thách thức lớn" mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt, cũng như giữ vững vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong các vấn đề quốc tế. BRICS cho rằng cần phải nỗ lực để xây dựng một trật tự quốc tế đa cực công bằng hơn, công minh hơn và mang tính đại diện hơn.

Tuyên bố chung nhấn mạnh "những căng thẳng về thương mại và sự bất ổn về chính sách đã gây thiệt hại đối với niềm tin, thương mại, đầu tư và tốc độ tăng trưởng" trong nền kinh tế toàn cầu và vì vậy, cần phải có các biện pháp để tạo dựng môi trường kinh doanh và thương mại công bằng, không có sự phân biệt đối xử. Tuyên bố nhấn mạnh, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trong bối cảnh căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp.

Về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi các nước trên thế giới cùng nỗ lực đối phó khủng bố dưới mọi hình thức phù hợp luật pháp quốc tế. BRICS cũng nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn tài trợ cho các mạng lưới và các hành động khủng bố, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng sự phát triển của công nghệ thông tin vào các hoạt động khủng bố. Tuyên bố chung của BRICS khẳng định, những thách thức và mối đe dọa mới trong cuộc chiến này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, bao gồm các cuộc thảo luận về các khuôn khổ hợp tác, trong đó LHQ phải đóng vai trò trọng tâm với những công cụ mang tính ràng buộc.

Lãnh đạo các nước BRICS cũng bày tỏ cam kết vì sự thành công của Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP25), sẽ được tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 12 tới sau khi Chile rút lui không tổ chức, đặc biệt liên quan việc đạt được kết quả cân bằng và toàn diện về việc triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các nước BRICS cũng cho rằng không thể có một giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột ở Syria, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, giải pháp hai Nhà nước trong vấn đề Palestine - Israel và quyết tâm bảo vệ vai trò của LHQ trong các vấn đề quốc tế.

Tuyên bố chung của BRICS bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ và tái khẳng định nhu cầu hoạt động khám phá và sử dụng không gian bên ngoài cho mục đích hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ. Các nước thành viên nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết để đàm phán một công cụ đa phương ràng buộc về mặt pháp lý có thể lấp đầy khoảng trống trong các cơ chế pháp lý quốc tế áp dụng cho không gian bên ngoài, bao gồm cả việc ngăn chặn triển khai vũ khí ngoài vũ trụ.

Chiếm tới 26% diện tích, 42% dân số và 16% GDP của thế giới, BRICS được coi là một động lực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển, đồng thời có vai trò ngày càng lớn trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Hội nghị cấp cao Nhóm BRICS lần thứ 11 đã thảo luận những biện pháp hướng tới xây dựng nhóm BRICS mạnh mẽ hơn với những thỏa thuận hợp tác cụ thể, đồng thời phát đi lời kêu gọi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hợp tác, cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực của kinh tế toàn cầu và bảo vệ lợi ích chung.