Nỗi lo khủng hoảng mới

Làn sóng biểu tình kéo theo bạo lực ở Iraq đang gây lo ngại sẽ nhấn chìm quốc gia Trung Đông này vào tình trạng bất ổn. Chính phủ Iraq đã phải tung ra gói cải cách thứ hai nhằm xoa dịu lòng dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng. Mối đe dọa khủng bố chưa được xóa sạch, cùng nỗi lo cơm áo có thể đẩy quốc gia này tới gần bờ vực một cuộc khủng hoảng mới.

Từ đầu tháng 10, hàng nghìn người Iraq đã xuống đường ở thủ đô Baghdad và nhiều thành phố, biểu tình phản đối tình trạng mức sống của người dân giảm sút, dịch vụ công yếu kém, tham nhũng tràn lan. Bạo lực bùng phát đẩy Iraq vào tình trạng hỗn loạn, khi nhiều phần tử lợi dụng tình hình để tiến hành các vụ bạo lực. Lực lượng an ninh Iraq cảnh báo, nhiều tay súng đã trà trộn vào dòng người biểu tình. Bạo lực khiến hơn 100 người chết và hơn 6.100 người bị thương. Lo ngại “lửa bạo lực” lan rộng, Chính phủ Iraq đã phong tỏa những tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn trên cả nước.

Chính phủ Iraq đang phải đối mặt thực tế vô cùng khó khăn, khi hai năm sau tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà tình hình an ninh chưa thật sự ổn định. Nhiều vụ đánh bom liều chết vẫn thường xuyên xảy ra. Ở một quốc gia giàu dầu mỏ nhưng hàng triệu người dân vẫn sống trong điều kiện tồi tệ. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên Iraq đã lên 25%. Trước sức ép đòi cải thiện tình hình, Chính phủ Iraq đã công bố gói cải cách thứ hai, tập trung vào các dự án kinh tế, phân phối đất và tạo việc làm cho người dân.

Trong số 13 biện pháp sẽ được Nhà nước thực hiện, một ủy ban do Thủ tướng đứng đầu được thành lập nhằm phân phối đất xây nhà ở cho người dân. Ngoài ra, ước tính khoảng 12,6 triệu USD sẽ được cấp cho dự án của Bộ Điện lực Iraq để giúp 3.000 gia đình nghèo có thể tiếp cận hệ thống năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, Bộ Thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký dự án nhỏ của giới trẻ, miễn thuế và tăng cơ hội việc làm cho những đối tượng thất nghiệp.

Quốc hội Iraq cũng đã thông qua gói cải cách đầu tiên do chính phủ đề xuất bao gồm xây dựng hàng nghìn nhà cho người nghèo, cải thiện về lương và các chương trình đào tạo cho người thất nghiệp, cùng các sáng kiến cho vay đối với giới trẻ. Để đối phó tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong thanh niên, Chính phủ khẳng định sẽ tạo ra các nhóm thị trường liên kết rộng lớn và hỗ trợ những người không có việc làm.

Trải qua hơn tám năm nội chiến sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ chế độ S.Hussein hồi năm 2003, tiếp đó là cuộc chiến chống IS kéo dài hơn ba năm, đất nước Iraq đã bị tàn phá nặng nề, người dân luôn sống trong mối lo an ninh bất ổn. Chiến tranh, xung đột khiến Iraq rơi vào tình trạng chia rẽ sắc tộc, tôn giáo sâu sắc. Hòa giải dân tộc là một trong những nhiệm vụ khó khăn mà chính quyền Iraq phải thực hiện trong tiến trình tái thiết đất nước.

Nhằm đối phó nguy cơ bất ổn hiện nay, Tổng thống Iraq B.Salih kêu gọi đối thoại dân tộc, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra về tình trạng bạo lực trong những ngày qua. Tổng thống khẳng định lập trường không muốn Iraq trở thành một đất nước xung đột và người dân phải được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Ông kêu gọi người biểu tình kiềm chế, tránh bị các thế lực nước ngoài lợi dụng, can thiệp cuộc đối thoại dân tộc. Ông khẳng định ủng hộ việc cải tổ chính phủ một cách cơ bản để cải thiện hiệu suất hoạt động của bộ máy chính quyền, đồng thời “kích hoạt” các cơ chế để đạt được bước nhảy vọt về chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ công. Ông cũng kêu gọi thành lập một tòa án chuyên xét xử các vụ án tham nhũng.

Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập (AL) đều bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo loạn bùng phát từ các cuộc biểu tình ở Iraq. AL kêu gọi kiềm chế và tiến hành đối thoại làm dịu căng thẳng. Trước thực tế tình hình Iraq hiện nay, cộng đồng quốc tế hy vọng đối thoại là kênh duy nhất có thể giúp kiểm soát tình hình, tránh kích động bạo lực, khơi mào một cuộc xung đột mới. Chỉ có như vậy mới giúp Iraq bảo vệ được những thành quả của cuộc chiến chống khủng bố và tiếp tục công cuộc tái thiết đầy gian nan.