Nỗ lực hòa bình bị đe dọa

Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) T.Oen-ne-xlan bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình leo thang xung đột tại Đông Giê-ru-xa-lem và khu Bờ Tây giữa lực lượng an ninh I-xra-en và người Pa-le-xtin. Liên đoàn A-rập (AL) kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp và ngăn chặn những hành động vi phạm các quyền cơ bản nhất của người Pa-le-xtin. Bạo lực gia tăng đang đe dọa phá hỏng các nỗ lực vì hòa bình Trung Đông.

Căng thẳng leo thang ở Giê-ru-xa-lem những tuần gần đây, khi hàng chục nghìn người Pa-le-xtin phản đối việc cảnh sát I-xra-en ngăn chặn họ vào thành cổ trong tháng lễ Ra-ma-đan của người Hồi giáo. Thậm chí, một số gia đình người Pa-le-xtin còn bị đuổi khỏi nhà của họ. Đụng độ gây thương vong cho cả hai phía. Mới nhất, cảnh sát chống bạo động của I-xra-en đã trấn áp mạnh tay đối với hàng trăm người Pa-le-xtin tại đền thờ An Ác-xa ở Giê-ru-xa-lem, khiến 169 người bị thương. Xung đột bùng lên sau khi một số người Pa-le-xtin quá khích ném đá, chai lọ và pháo hoa về phía cảnh sát I-xra-en và lực lượng này đáp trả bằng đạn cao-su và lựu đạn. Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Pa-le-xtin phải dựng bệnh viện dã chiến ở gần khu vực xảy ra xung đột.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực tại các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin bị chiếm đóng. Đặc phái viên LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và cộng đồng của cả hai bên cùng ngăn chặn và kiềm chế các hành động bạo lực và những phát ngôn kích động, tránh để tình hình vượt tầm kiểm soát. Chính phủ một loạt nước châu Âu ra tuyên bố chung, thúc giục I-xra-en đình chỉ quyết định xây dựng các khu định cư mới tại Bờ Tây, chấm dứt chính sách mở rộng khu định cư trên khắp các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin.

Các kế hoạch mở rộng khu định cư Do thái là một trong những vấn đề gây bất đồng sâu sắc nhất giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, cản trở tiến trình hoà bình Trung Đông. Quyết định của I-xra-en đẩy mạnh xây dựng các khu định cư nếu được thực thi sẽ tiếp tục làm suy yếu triển vọng về một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập, với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem, hủy hoại cơ hội đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Chỉ trích hành động ép buộc các gia đình người Pa-le-xtin phải rời khỏi khu vực có phần lớn người Pa-le-xtin sinh sống ở Đông Giê-ru-xa-lem là "hành vi phạm tội", AL cho rằng người Pa-le-xtin đang trả giá cho cuộc tranh đua giữa các đảng phái chính trị ở I-xra-en.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin gặp vô vàn khó khăn do chính sách phong tỏa của I-xra-en. Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại dải Ga-da hết sức đáng lo ngại, riêng tháng 4 vừa qua, số ca bệnh tăng 150% và số người chết tăng hơn ba lần so với tháng trước đó, đẩy hệ thống y tế tới bờ vực sụp đổ. Hiện có khoảng 1,8 triệu người Pa-le-xtin phải dựa vào trợ cấp nhân đạo của các cơ quan LHQ và đối tác, trong khi ngân sách viện trợ nhân đạo của LHQ mới đạt 22% mục tiêu năm 2021. Việc I-xra-en tăng cường các chiến dịch phong tỏa, trấn áp người Pa-le-xtin ở Bờ Tây cũng cản trở tiến trình bầu cử của Pa-le-xtin, khiến Tổng thống M.Áp-bát phải tuyên bố hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến cuối tháng này.

Bạo lực gia tăng dập tắt tia hy vọng nối lại đàm phán I-xra-en - Pa-le-xtin, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn có các bước đi đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm về tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Bai-đơn nỗ lực đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian nhằm giải quyết xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, với tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và nối lại viện trợ cho Pa-le-xtin. Nhóm "bộ tứ" về hòa bình Trung Đông cũng đang bàn thảo khả năng mở rộng, nhằm tạo cơ hội hồi sinh tiến trình này.

Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và khẳng định rằng, giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để thiết lập một nền hòa bình lâu dài, bền vững giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Cộng đồng quốc tế hối thúc các bên thực hiện biện pháp xây dựng lòng tin và kiềm chế các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng đàm phán.