Những tín hiệu lạc quan

Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, "bức tranh kinh tế" toàn cầu đang dần sáng hơn với một loạt tín hiệu tích cực đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ðông - Nam Á.

Sau một năm "xuống đáy", nền kinh tế số một thế giới là Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi mạnh theo mô hình "chữ V". Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây nhận định rằng, có sự khác biệt lớn giữa triển vọng kinh tế của Mỹ và nhiều nước khác, nhờ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mới nhất của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn. Theo đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 4,3% lên 5,1% trong năm nay. Các số liệu thống kê cũng cho thấy kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ. Ðầu tháng 4 vừa qua, Viện Quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ công bố báo cáo cho thấy, ngành sản xuất Mỹ trong tháng 3 tăng trưởng ngoạn mục, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12-1983. Theo đó, Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đạt 64,7%, tăng 3,9% điểm so với tháng trước đó. Thông thường, chỉ số PMI đạt hơn 50%  là tín hiệu cho thấy ngành sản xuất tăng trưởng. 

Trong khi đó, thống kê cũng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã tăng trưởng kỷ lục trong quý I-2021. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16-4 cho thấy, kinh tế Trung Quốc trong quý I-2021 tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ năm 1992, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và quốc tế tăng mạnh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý vừa qua đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2020.

Tại các nền kinh tế lớn khác của châu Á, dù khó khăn vẫn lớn, nhưng tín hiệu phục hồi tích cực đã xuất hiện. Số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý I vừa qua đạt 146,5 tỷ USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2020. Ðây là lần đầu kim ngạch xuất khẩu quý I của Hàn Quốc vượt mức kỷ lục được xác lập năm 2018 với 145,1 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà phân tích nhận định, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh là nhờ nhu cầu về các mặt hàng như chíp bán dẫn, điện thoại di động, máy tính và thiết bị ngoại vi tăng. Nhờ sự phục hồi của xuất khẩu nêu trên, Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có khả năng đạt 3,5% trong năm nay, tăng mạnh so với mức giảm 1% của năm 2020.

Tín hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng đã xuất hiện ở hầu hết các nền kinh tế trong ASEAN. IMF dự báo năm nay có sáu nước ASEAN đạt tăng trưởng GDP cao gồm Phi-li-pin (6,9%), Ma-lai-xi-a và Việt Nam (cùng 6,5%), Xin-ga-po (5,2%), Lào (4,6%), In-đô-nê-xi-a (4,3%) và Cam-pu-chia (4,2%). IMF cũng dự kiến Cam-pu-chia sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm 2026, với GDP tăng 6,8%.

Những tín hiệu lạc quan mới từ các nền kinh tế nêu trên đang làm gia tăng niềm tin vào việc thế giới sẽ thoát khỏi "một năm kinh tế buồn" trong năm 2021. Tuy nhiên, giữa bối cảnh dịch bệnh còn nghiêm trọng như hiện nay, nếu việc khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 không được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả, triển vọng phục hồi kinh tế sẽ tiêu tan nhanh chóng. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn đang đặt ra là tốc độ phục hồi của các nền kinh tế không đồng đều. Bởi vậy, để đưa kinh tế toàn cầu chính thức trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19, thời gian tới, cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính, chính phủ các nước cần hợp tác chặt chẽ để cùng triển khai "mặt trận thống nhất" trong đối phó dịch bệnh và kích cầu kinh tế.