Những hệ lụy nguy hiểm

Hành động quân sự mang tên "Chiến dịch Mùa xuân hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria đang tiếp diễn trước sự phản đối mạnh mẽ của Liên hiệp châu Âu (EU) cũng như các nước A-rập. Quân đội Mỹ cũng cảnh báo khả năng kích hoạt "hành động phòng vệ ngay lập tức", trong bối cảnh các vụ tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào căn cứ của Mỹ ở khu vực. Những cảnh báo về hệ lụy của chiến dịch quân sự này đã được đưa ra trước nguy cơ "chảo lửa" xung đột mới bùng phát làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng Syria.

Khói bốc lên ở Tel Abyad (Syria) ngày 12-10. (Ảnh: Reuters)
Khói bốc lên ở Tel Abyad (Syria) ngày 12-10. (Ảnh: Reuters)

Sau khi khai hỏa chiến dịch quân sự ở khu vực đông bắc Syria, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ của nước láng giềng, nhất là về phía đông sông Ơ-phơ-rết. Các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu thuộc lực lượng người Cuốc nhằm chống Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) ở Syria, lực lượng vốn bị Ankara coi là khủng bố. Xung đột diễn ra những ngày qua khiến hàng chục người chết, khoảng 64 nghìn người phải chạy nạn. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số hàng trăm thành viên thuộc lực lượng người Cuốc thiệt mạng.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang vấp phải sự phản đối từ nhiều nước trong khu vực cũng như các nước phương Tây. Mỹ, sau khi rút quân khỏi miền bắc Syria, bỏ mặc lực lượng người Cuốc từng được Washington coi là đối tác hiệu quả trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo đối với Ankara, nhất là khi điểm đóng quân của binh sĩ Mỹ gần biên giới phía bắc Syria cũng bị trúng đạn pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Lầu năm góc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tránh những hành động có thể dẫn tới việc kích hoạt các "hành động phòng vệ ngay lập tức". Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã cho phép quan chức nước này thảo luận về các lệnh trừng phạt "nặng nề" nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại cho "số phận" lực lượng người Cuốc ở Syria, đồng thời cho rằng các cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tiến triển trong cuộc chiến chống IS. Washington khuyến cáo Ankara ngừng các hành động có thể gia tăng khả năng làm cho Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp chung để giải quyết tình hình hiện nay ở Syria.

Cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới khi vấn đề người tị nạn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để mặc cả với các nước EU nhằm bảo vệ chiến dịch quân sự mà Ankara đang tiến hành ở miền bắc Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan dọa sẽ "mở cửa", cho phép 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu nếu các nước châu Âu coi chiến dịch quân sự của Ankara là một "sự chiếm đóng". Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) D.Tusk khẳng định không bao giờ chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ coi người tị nạn là vũ khí và bị lợi dụng để gây áp lực. Trước tình hình này, EC đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc họp nhằm thảo luận về các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thụy Ðiển quyết định sẽ thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đang tìm cách tiếp cận hỗ trợ nhân đạo cho hàng chục nghìn người chạy trốn khỏi miền bắc Syria, trong bối cảnh dân thường tại đây phải hứng chịu nhiều nguy hiểm khi xung đột gia tăng và mùa đông lạnh giá sắp đến.

Nội bộ chính quyền Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại việc Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria là nhường "trận địa" cho Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt cục diện chiến trường và chính trường ở quốc gia này. Mối lo ngại càng gia tăng sau phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Tại phiên họp này, năm nước châu Âu là thành viên Hội đồng đã không thể thuyết phục 10 thành viên còn lại thông qua một tuyên bố chung kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. Pháp, Ðức, Anh, Bỉ và Ba Lan đã buộc phải ra tuyên bố riêng của mình, trong khi Mỹ soạn thảo một tuyên bố khác cũng khẳng định quan điểm không ủng hộ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga cảnh báo nguy cơ các phần tử IS ở khu vực này có thể trốn thoát khỏi nhà tù do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được tình hình.

Bất chấp "búa rìu dư luận", Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp tục thực hiện các cuộc tiến công nhằm quét sạch khủng bố và đem lại hòa bình, an ninh cho vùng đông bắc Syria. Chiến dịch quân sự hứng chịu nhiều chỉ trích này trở thành mối lo mới về khả năng cản trở các giải pháp chính trị đang được thúc đẩy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Cộng đồng quốc tế cho rằng, hành động quân sự sẽ không thể là giải pháp mà chỉ làm trầm trọng thêm tình hình và kích hoạt "thùng thuốc súng" ở Syria.