Bình luận quốc tế

Những dự án dang dở

Thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ đầu giúp Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tự tin tranh cử để tiếp tục lãnh đạo Nhà trắng, nhưng đã mờ nhạt bởi dịch Covid-19. Mất đi lợi thế, lại chịu thêm chỉ trích về cách thức xử lý đại dịch và một số vấn đề trong nước, ông Trăm chuyển hướng làm nổi bật chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nhiều dự án dang dở đặt ra thách thức lớn với nỗ lực tái cử của vị tổng thống đương nhiệm.

Cuộc vận động tranh cử bước vào giai đoạn nước rút và những số liệu thiếu tích cực của nền kinh tế liên tiếp được công bố càng tạo thêm nhiều áp lực với Tổng thống Đ.Trăm, buộc lãnh đạo Nhà trắng hướng sự chú ý của cử tri tới những thành tựu của chính quyền đương nhiệm trong các vấn đề đối ngoại. Sự chuyển hướng này được xem như nỗ lực mang tính quyết định của ông Trăm, khi ứng cử viên được đảng Cộng hòa ủng hộ không còn tự tin dựa vào lợi thế là chính sách kinh tế hiệu quả thời trước đại dịch và hứng chịu “búa rìu chỉ trích” về cách ứng phó dịch bệnh hiện nay. 

Dù không có nhiều thành tựu đối ngoại nổi trội trong nhiệm kỳ, thậm chí còn bị chỉ trích vì nhiều chính sách gây tranh cãi, nhất là những bước đi rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu, tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương, thì Tổng thống Đ.Trăm vẫn phải viện tới cái “phao cứu sinh” trong lĩnh vực này. Mục tiêu chỉ nhằm nhanh chóng thu hẹp cách biệt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri, với đối thủ bên đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn. Một loạt nỗ lực mới được lãnh đạo đương nhiệm Nhà trắng ráo riết triển khai, song vẫn chưa có thành công thật sự nào được ghi nhận.

Khó khăn mới nhất với Tổng thống Đ.Trăm, vào thời điểm hai tuần trước ngày bầu cử 3-11 tới, đó là thất bại trong việc kéo dài các lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) đối với I-ran. Sau rất nhiều nỗ lực bất thành, từ việc thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ thông qua dự luật gia hạn cấm vận I-ran, đến nỗ lực kích hoạt điều khoản trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ vẫn không thể ngăn cản Tê-hê-ran được quyền mua sắm vũ khí kể từ ngày 18-10, khi các lệnh cấm vận của LHQ hết hiệu lực với I-ran. Đây có thể được xem là thất bại lớn, bởi quan điểm cứng rắn trong vấn đề I-ran và nỗ lực gây sức ép với Tê-hê-ran được chính quyền Tổng thống Đ.Trăm theo đuổi suốt nhiệm kỳ vừa qua.

Thêm một nỗ lực bất thành nữa, đó là Mỹ chưa thể nhất trí với Nga về thỏa thuận mới nhằm thay thế Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược, còn gọi là START mới, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021. Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị “khai tử”, do Mỹ rút đi, kéo theo bước đi tương tự của Nga, START mới trở thành cơ chế quốc tế duy nhất kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu. Song, tuần trước, hai nước đã thẳng thừng bác đề xuất của nhau. Mỹ muốn gia hạn START mới nếu Nga “đóng băng” kho vũ khí hiện tại, còn Mát-xcơ-va chỉ chấp thuận kéo dài thực thi thỏa thuận với Oa-sinh-tơn thêm một năm, nhưng không kèm điều kiện. 

Trong lĩnh vực thương mại, ngoài tranh chấp kéo dài với Trung Quốc, Mỹ cũng có thêm những khúc mắc mới với những đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Sát ngày bầu cử ở “xứ cờ hoa” và đúng một năm sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết có lợi cho Mỹ trong vụ kiện liên quan trợ cấp trái phép với hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu, WTO lại công bố quyết định cho phép Liên hiệp châu Âu (EU) áp thuế với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, nhằm bù đắp thiệt hại từ việc Oa-sinh-tơn trợ cấp tập đoàn chế tạo máy bay Boeing. Phán quyết mới nhất của WTO đẩy Mỹ vào thế bất lợi, cận kề nguy cơ xung đột thương mại mới với EU.

Về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, việc ký thỏa thuận với lực lượng Ta-li-ban là thành công của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm, giúp khởi động cuộc đối thoại nội bộ Áp-ga-ni-xtan. Song, đây chưa thật sự là thành công với Nhà trắng, khi tình trạng bạo lực không hề giảm, trong đó có thương vong cho lực lượng Mỹ. Tổng thống Đ.Trăm ráo riết thực hiện mục tiêu đưa binh sĩ Mỹ về nước, thậm chí bóng gió đề cập thời điểm trước dịp Giáng sinh tới, song đến nay kế hoạch rút quân vẫn chưa được Lầu năm góc công bố.

Tương tự, nỗ lực làm trung gian, đưa tới các bản thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ren, được xem là thành công bước đầu trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Tổng thống Đ.Trăm. Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ của Pa-le-xtin, I-ran cùng một số nước A-rập và quốc gia ngoài khu vực cho thấy, bản kế hoạch mà Mỹ gọi là “thỏa thuận thế kỷ” không dễ đi vào thực tế.

Quỹ thời gian dành cho Tổng thống Đ.Trăm thuyết phục cử tri còn rất ít, mà thách thức lại quá nhiều. Sự chuyển hướng chiến lược tranh cử sang các vấn đề đối ngoại, dù còn nhiều dự án dang dở, cho thấy nỗ lực mang tính đột phá của lãnh đạo Nhà trắng đương nhiệm, với kỳ vọng xoay chuyển tình thế bất lợi hiện nay so với đối thủ.