Nguy cơ tan vỡ

Kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong khi đó các nước thành viên của khối này vẫn bất đồng sâu sắc về kế hoạch hồi phục kinh tế. Giới phân tích quan ngại rằng, tình trạng nêu trên có thể phá vỡ Eurozone, khiến khối này lâm cảnh "tan đàn sẻ nghé".

Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Ðức, Ủy viên kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Gien-ti-lô-ni tuyên bố tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra tại Eurozone đang trở nên tồi tệ hơn. Theo đó, các nền kinh tế thuộc Eurozone ở bên bờ vực tan vỡ do tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị co lại tại các quốc gia như I-ta-li-a, Pháp và Tây Ban Nha, với chỉ số này giảm từ 10 đến 11%. Trong khi đó, các quốc gia trong EU vẫn chưa thể nhất trí một kế hoạch phục hồi kinh tế chung cho toàn khối.

Trước khi ông P.Gien-ti-lô-ni đưa ra cảnh báo nêu trên, các nền kinh tế Eurozone đã lâm cảnh khó khăn nghiêm trọng và đối mặt nguy cơ suy thoái sâu. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan ra khắp thế giới trong nửa đầu năm nay, các quốc gia trong Eurozone và các đối tác chính còn lại trong EU và Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa. Mặc dù biện pháp này giúp khống chế dịch bệnh hiệu quả, nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng khi phải tạm dừng hoạt động, trong khi đời sống văn hóa - xã hội cũng bị ngưng trệ. Tổng sản phẩm quốc nội trong quý II-2020 tại khu vực này sẽ suy giảm với "tốc độ chưa từng thấy".

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nợ nần đang "bủa vây" nhiều nền kinh tế Eurozone. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của Pháp và Tây Ban Nha sẽ vượt ngưỡng 100% GDP; với mức 125,7% vào năm 2020; 123,8% vào năm 2021 đối với Pháp và 123,8% vào năm 2020; 124,1% vào năm 2021 đối với Tây Ban Nha. Trong khi đó, theo các dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) và IMF, triển vọng kinh tế của Eurozone vẫn bị bao phủ bởi những gam mầu tối. Dự báo mới nhất của EC nhận định, kinh tế Eurozone sẽ suy giảm 8,7% trong năm 2020 trước khi tăng trưởng 6,1% vào năm 2021. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 vừa công bố, IMF cho rằng, kinh tế Eurozone sẽ giảm 10,2% trong năm nay và dự báo phục hồi trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6%.

Nền kinh tế số một EU là Ðức sẽ giảm 7,8% năm nay và sau đó tăng 5,4% năm 2021. Kinh tế Pháp cũng giảm khoảng 12,5% năm 2020 trước khi đạt mức tăng 7,3% năm 2021.

Trong khi kinh tế khó khăn, các nước EU nói chung và Eurozone nói riêng vẫn chưa thể thống nhất một kế hoạch chung để kích cầu, tạo ra một "liều thuốc tăng lực" cho nền kinh tế và điều này khiến triển vọng kinh tế khu vực thêm đen tối. Mặc dù EC đã đưa ra đề xuất về một quỹ hồi phục Covid-19, nhưng nhóm "bộ tứ" gồm Áo, Ðan Mạch, Hà Lan và Thụy Ðiển đã từ chối đề xuất này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen cuối tuần qua đã nhắc lại đề xuất lập một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch, trong đó hai phần ba dưới dạng trợ cấp và một phần ba dưới dạng các khoản vay, cùng một quỹ dự phòng trị giá 5 tỷ ơ-rô nhằm ứng phó các hậu quả không lường trước liên quan vấn đề Brexit (Anh rời EU) đối với các nước thành viên. Ông S.Mi-sen trong phát biểu với báo giới, đã nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đặt ra cho châu Âu thách thức lịch sử. EU đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng y tế nghiêm trọng và giờ đây cần chuyển sự tập trung vào giảm các thiệt hại về kinh tế - xã hội. Dự kiến, đề xuất nêu trên sẽ được các lãnh đạo EU thảo luận tại Hội nghị cấp cao của khối vào ngày 17 và 18-7 tới.

Trước cuộc họp nêu trên, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken đã hối thúc các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng đạt đồng thuận về quỹ phục hồi và kêu gọi châu Âu cùng quyết tâm vượt qua tình thế khó khăn nhất hiện nay trong lịch sử của khối. Trong khi đó, Ủy viên kinh tế của EU P.Gien-ti-lô-ni nhấn mạnh rằng, các quốc gia EU cần nhất trí một kế hoạch hồi phục kinh tế sớm nhất có thể, nhằm xây dựng lòng tin và góp phần vào một sự phục hồi nhanh chóng hơn.

Trong 10 năm qua, EU nói chung và Eurozone nói riêng đã trải qua nhiều sóng gió khủng hoảng. Tại những thời điểm khó khăn, các quốc gia trong khu vực đã cùng xóa bỏ bất đồng để đưa "con tàu EU" vượt bão thành công. Hiện tại, đại dịch Covid-19 một lần nữa tạo ra nguy cơ khiến Eurozone tan rã và giờ là lúc các thành viên trong "đại gia đình EU" phải đoàn kết để vượt qua thách thức sống còn này.