Bình luận quốc tế

Nguy cơ đối mặt “thập kỷ mất mát”

Kinh tế châu Âu đang đối mặt những thách thức chưa từng có khi nền kinh tế “đầu tàu” khu vực là Đức đã trượt dốc, trong khi các “mắt xích yếu” như Hy Lạp lún sâu vào suy thoái. Vòng xoáy khủng hoảng doanh nghiệp diễn ra nghiêm trọng, dù chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ ơ-rô để vực dậy nền kinh tế.

Các nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đang lún sâu hơn vào suy thoái. Theo dự báo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố, tăng trưởng của Eurozone được điều chỉnh xuống mức âm 10,2% trong năm nay, giảm thêm 2,7 điểm % so với mức dự báo mà IMF đưa ra vào tháng 4 vừa qua.

Nền kinh tế khu vực được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng 6%, cao hơn 3,3 điểm % so với mức dự báo hồi tháng 4. Nền kinh tế Đức đã đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra mười năm trước. Tuy nhiên, đầu tàu kinh tế khu vực này đã không thể tránh khỏi suy thoái khi “cơn bão Covid-19” tràn qua “lục địa già”.

IMF nhận định, kinh tế Đức sẽ suy giảm 7,8% trong năm 2020 và sau đó tăng 5,4% vào năm 2021 trong khi các quốc gia khác suy giảm sâu hơn.

Kinh tế Pháp sẽ giảm khoảng 12,5% trong năm nay và tăng 7,3% vào năm 2021. Nền kinh tế Tây Ban Nha cũng sẽ suy giảm 12,8% trước khi hồi phục và tăng 6,3% vào năm 2021…

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.La-gác-đơ nhận định, nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone được dự báo sẽ giảm mạnh ở mức 8,7% trong năm 2020.  

Nước Anh, một nền kinh tế lớn của khu vực dù đã ra khỏi “mái nhà chung châu Âu” - EU, song cũng không thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I năm 2020 giảm 2,2% - mức giảm theo quý lớn nhất kể từ năm 1979. Số liệu thống kê gần đây cho thấy hoạt động kinh tế Anh đã suy giảm ở mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4 vừa qua.

Các nhà phân tích nhận định, kinh tế Anh sẽ sụt giảm ở mức 2 con số trong quý II năm 2020, đẩy Anh rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ.

Suy giảm kinh tế đặc biệt đáng lo ngại tại một số nền kinh tế từng khủng hoảng nghiêm trọng và luôn là “mắt xích yếu” của châu Âu suốt thập kỷ vừa qua. Tại Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương nước này (BoG) dự báo kinh tế đất nước sẽ suy giảm 5,8 đến 9,4% trong năm nay. Thâm hụt ngân sách trong năm nay của A-ten được dự báo sẽ ở mức 2,9% GDP.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sa sút, các doanh nghiệp châu Âu đang rơi vào “vòng xoáy khủng hoảng” nghiêm trọng, cho dù chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ ơ-rô để vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ những doanh nghiệp bị tê liệt do các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.

Kết quả khảo sát của cơ quan bảo hiểm tín dụng Coface cho thấy, số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2021, với tỷ lệ 21% tại Pháp, 22% ở Tây Ban Nha, 37% đối với Anh và I-ta-li-a, 36% tại Hà Lan.

Tại quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19 là Đức, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản cũng tăng 12%.

Theo Coface, tại Pháp, nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ bổ sung của chính quyền, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.354 doanh nghiệp phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới được thành lập.

Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, phần lớn các quốc gia châu Âu luôn trong tình trạng phải vùng vẫy để thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Trước khi “cơn bão Covid-19” quét qua châu Âu, bức tranh kinh tế của “lục địa già” đã bắt đầu tươi sáng sau nhiều năm u ám.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại một lần nữa nhấn chìm kinh tế châu Âu và nếu không sớm  có những giải pháp, bước đi đúng đắn nhanh chóng giúp ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thì rất có thể châu Âu lại tiếp tục đối mặt với một “thập kỷ mất mát” như họ đã trải qua sau cuộc khủng hoảng năm 2008.