Bình luận quốc tế

Nghịch cảnh thời Covid-19

Mỹ, I-xra-en và một số nước châu Âu đang dần ra khỏi "cuộc khủng hoảng Covid-19", trong khi nhiều nước vẫn trong giai đoạn đỉnh dịch. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới đã cho thấy những nghịch lý trong cách đối phó với dịch bệnh của các quốc gia hiện nay.

Mỹ từng là "tâm bão" của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tiềm lực y tế, kinh tế mạnh mẽ, "xứ cờ hoa" đang bước ra khỏi cuộc khủng hoảng. Báo chí Mỹ cuối tuần qua cho biết, hiện nhiều bang ở nước này bắt đầu bỏ quy định đeo khẩu trang. Theo đó, những người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ và bảo đảm đã qua hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần đeo khẩu trang cũng như không cần thực hiện giữ khoảng cách. Các bang như Oa-sinh-tơn, Nê-va-đa, Pen-xin-va-ni-a, Ken-tắc-ki… đã áp dụng quy định mới nêu trên. Thống đốc bang Mi-nê-xô-ta thông báo bỏ quy định đeo khẩu trang trong toàn bang từ 15-5. Cùng với nới lỏng phòng dịch, các công ty Mỹ đang lên kế hoạch tuyển nhân công "đón đầu" giai đoạn bùng nổ kinh tế sau khi dịch bệnh được khống chế và nền kinh tế mở cửa trở lại.  Nhiều công ty cũng công bố chế độ lương thưởng mới nhằm thu hút và giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh tươi sáng tại nước Mỹ, dịch bệnh vẫn "phủ bóng đen chết chóc" lên nhiều quốc gia. Số ca nhiễm mới và chết vì Covid-19 vẫn gia tăng mạnh tại Ấn Ðộ, Bra-xin và nhiều nước khác. Nguyên nhân của nghịch cảnh nêu trên là do các nước giàu như Mỹ được tiếp cận và "phủ sóng" vắc-xin ngừa Covid-19 tốt hơn, nhanh hơn các nước khác, nhất là những quốc gia đang phát triển. Số liệu thống kê mới nhất tại Mỹ cho thấy đã có 58,9% người trưởng thành nước này được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19, trong khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 45%.

Thậm chí, tại Mỹ, người dân còn được Chính phủ "dỗ dành" đi tiêm vắc-xin. Bang Ma-ri-len mới đây hứa tặng cho những người đi tiêm chủng 100 USD dưới hình thức trái phiếu. Trên tài khoản Twitter, cuối tuần qua, Thống đốc bang Ô-hai-ô cho biết chính quyền bang đã quyết định hình thức trao thưởng là quay thưởng may mắn với tổng giá trị phần thưởng là hàng triệu USD. Trong khi đó, tại Niu Giơ-xi, Thống đốc bang đã phát động chương trình "Một mũi tiêm, một cốc bia" dành cho bất cứ người dân nào từ 21 tuổi trở lên của bang tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19 trong tháng 5...

Chính sách chống dịch và phục hồi kinh tế "kiểu nhà giàu" của Mỹ còn dẫn đến một nghịch lý đáng chú ý nữa là nhiều người dân không muốn tái gia nhập thị trường lao động. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm còn trống ở nước này hiện ở mức cao kỷ lục 8,1 triệu chỗ, trong khi vẫn có gần 10 triệu người trong tình trạng thất nghiệp chính thức. Lý do dẫn đến tình trạng này là bởi gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ đã khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng "mất kết nối" khi có lượng lớn người lao động Mỹ ung dung hưởng trợ cấp thất nghiệp thay vì quyết định đi làm.

Sự tương phản giữa tình hình ở Mỹ và các quốc gia đang phát triển nêu trên có một phần nguyên nhân từ tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận với vắc-xin ngừa Covid-19. Theo số liệu của hãng AFP, gần 1,4 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid -19 đã được tiêm cho người dân tại ít nhất 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, có tới hơn 44% số liều vắc-xin được tiêm ở các quốc gia có thu nhập cao (chiếm 16% dân số toàn cầu). Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin có liên quan trực tiếp tới đà phục hồi kinh tế không đồng đều trên thế giới. Tại Diễn đàn Kinh tế Delphi lần thứ 6 vừa diễn ra ở A-ten (Hy Lạp), các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, trong những tháng gần đây, triển vọng kinh tế toàn cầu đã ghi nhận nhiều điểm sáng, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Tốc độ phục hồi kinh tế của mỗi nước nói riêng và toàn thế giới nói chung vẫn phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid -19.

Trong bối cảnh nêu trên, Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia quốc tế đã nhiều lần kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 bình đẳng cho các quốc gia trên toàn cầu. Ðể bảo đảm chống đại dịch và phục hồi kinh tế thế giới bền vững trong thời gian tới, đòi hỏi chính phủ các nước phải kịp thời điều chỉnh chính sách và chung tay chia sẻ những khó khăn chung. Có như vậy mới hy vọng đại dịch sớm kết thúc và tất cả các quốc gia cùng sớm trở lại "trạng thái bình thường cũ".

NHẬT HÀ