Ngăn đà suy giảm kinh tế toàn cầu

Cú sốc do đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tại nhiều khu vực, dù thực tế không như cảnh báo ban đầu, nhưng đà phục hồi chậm khiến các nước phải gắng sức hơn trong nỗ lực vượt qua “cơn bĩ cực” hiện nay sau khi các nền kinh tế bị “tụt dốc”.

Kinh tế khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã chứng kiến một cú “rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Theo công bố dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây, dự báo, kinh tế khu vực này sẽ suy giảm 8,3% trong năm nay. Con số này có phần tích cực hơn mức dự báo hồi tháng 6 (giảm 10,2%), song đây vẫn là cú sốc lịch sử đối với nền kinh tế Eurozone. Trong khi chưa có giải pháp y tế nào cho đại dịch, IMF cảnh báo, đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone sẽ chậm hơn, chỉ có thể đạt tăng trưởng 5,2% vào năm 2021, tức là yếu hơn mức 6% trong dự báo trước đó. Tây Ban Nha là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với GDP được dự báo giảm 12,8% trong năm nay. I-ta-li-a và Pháp cũng có thể phải chứng kiến mức giảm GDP lần lượt là 10,6% và 8,3%. Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, vào đầu năm 2022, nền kinh tế Đức, “đầu tàu châu Âu”, mới có khả năng phục hồi trở về mức như trước khi xảy ra khủng hoảng. IMF cảnh báo tình hình sẽ còn tệ hơn, đồng thời khuyến cáo về việc các nước châu Âu chi tiêu mạnh tay. Gói phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô được cho là một giải pháp đúng hướng nhằm giúp nền kinh tế Eurozone phục hồi. 

Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) cũng đứng trước một loạt thách thức lớn chưa từng có, trong đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch có thể khiến tăng trưởng kinh tế tại khu vực này cũng như Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua, đẩy 38 triệu người quay trở lại cảnh đói nghèo. Theo WB, khu vực EAP trong năm 2020 ước tính chỉ tăng trưởng 0,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1967. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự báo ở mức 2% trong năm nay nhờ chi tiêu chính phủ tăng, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh và tỷ lệ lây nhiễm mới ở mức thấp kể từ tháng 3. Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương V.Qua-qua nhận định, các nước trong khu vực đã đề ra nhiều sự lựa chọn chính sách khôn khéo, có thể làm giảm tác động của dịch bệnh như đầu tư vào năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, mở rộng chương trình bảo trợ xã hội để chi trả cho người nghèo và những khu vực kinh tế phi chính thức. 

Tại Đông - Nam Á, nền kinh tế In-đô-nê-xi-a có thể suy thoái mạnh hơn dự báo nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát. Kinh tế nước này đang đối mặt sự phục hồi “không đồng đều và dễ biến động”, với dự báo sẽ giảm 1,6% trong năm nay theo kịch bản cơ sở. Xin-ga-po đưa ra ba mũi nhọn trong chiến lược kinh tế mới, trong đó có tăng gấp đôi các nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, nhằm đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và mở đường cho vòng tăng trưởng tiếp theo. Nước này đã triển khai bốn gói kích thích trị giá gần 100 tỷ đô-la Xin-ga-po (SGD) nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ma-lai-xi-a đã triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó suy thoái kinh tế. Theo đó, các gói kích thích kinh tế của Ma-lai-xi-a trị giá khoảng 73 tỷ USD với kỳ vọng đưa tăng trưởng trong năm 2021 của nước này đạt từ 5,5% đến 8% so mức tăng trưởng âm trong năm nay. 

Đại dịch đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế “đầu tàu thế giới”, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc làm và GDP lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua, khi một loạt doanh nghiệp ở “xứ cờ hoa” phải đóng cửa. Chính quyền của Tổng thống Đ.Trăm đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 1.800 tỷ USD nhằm giúp giảm những tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế. Gói cứu trợ này được coi là “công cụ đắc lực” hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì nhân viên, ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và bảo đảm hỗ trợ người lao động mất việc làm. Theo Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) G.Pao-oen, tốc độ phục hồi chậm và kéo dài của nền kinh tế có thể kích hoạt những yếu tố thúc đẩy một đợt suy thoái điển hình, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ mới rơi vào bế tắc. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi “nhanh hơn và mạnh mẽ hơn” nếu có thêm sự hỗ trợ của chính phủ. 

Là khu vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch, triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ la-tinh tiếp tục ảm đạm khi mức dự báo của WB về sự suy giảm của khu vực này trong năm 2020 tăng lên 7,9%, so mức 7,2% được đưa ra hồi tháng 6. Các nền kinh tế hàng đầu khu vực đều ghi nhận suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế, trong đó Ác-hen-ti-na được dự báo sẽ suy giảm mạnh nhất với mức âm 12,3%. Tiếp đến là Mê-hi-cô (âm 10%). Các nền kinh tế có chỉ số suy giảm mạnh nhất khu vực là các quốc đảo vùng Ca-ri-bê do hầu hết phụ thuộc vào du lịch.

Bức tranh kinh tế toàn cầu đã bớt tàn khốc hơn so với các cảnh báo đã đưa ra, song vẫn vô cùng ảm đạm. Tổng Giám đốc IMF K.Gioóc-giê-va nhận định, tất cả các nước đều đang đứng trước một  “con dốc dài” và cuộc “leo dốc” khó khăn đang là một thách thức mà mỗi quốc gia phải dốc sức để vượt qua.