Mục tiêu chiến lược

Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp vừa có chuyến thăm tới Trung Ðông - Bắc Phi, nhằm thảo luận về quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế "nóng". Với nỗ lực thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải hiệu quả cho hàng loạt cuộc khủng hoảng, Nga tiếp tục duy trì vị thế và nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược này.

Trong hai điểm dừng chân là Ai Cập và I-ran, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp đã có các cuộc gặp quan trọng với quan chức hai nước chủ nhà. Các chương trình nghị sự tập trung trao đổi về hợp tác song phương và các cuộc khủng hoảng ở khu vực như Xy-ri, Li-bi, hòa bình Trung Ðông và vấn đề hạt nhân của I-ran. Ngoài việc bàn về thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của cả hai bên, Nga và Ai Cập đã thảo luận và nhất trí hợp tác nhằm tìm giải pháp cho nhiều vấn đề quốc tế. Nga đã khẳng định cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập thông báo với người đồng cấp Nga về những nỗ lực của Cai-rô trong việc giải quyết vấn đề của Pa-le-xtin, trong đó có cả việc thông qua nhóm "Bộ tứ Mu-ních" gồm Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Pháp và Ðức nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và xây dựng lại lòng tin giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi cũng đã trao đổi về cuộc khủng hoảng Li-bi, trong bối cảnh cả Cai-rô và Mát-xcơ-va thời gian qua đã thúc đẩy nỗ lực ngoại giao quan trọng, nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này. Tổng thống Xi-xi nhấn mạnh sự cần thiết loại bỏ các lực lượng đánh thuê khỏi nước láng giềng Li-bi, cũng như ngăn chặn sự can thiệp bất hợp pháp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Li-bi.

Bàn về cuộc khủng hoảng Xy-ri, Bộ trưởng X.La-vrốp khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập trong giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Trung Ðông, đồng thời đánh giá cao vai trò trung tâm của Cai-rô đối với an ninh và ổn định ở khu vực. Trong suốt gần 10 năm qua, Nga đã phát huy vai trò tích cực trong tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Xy-ri, góp phần quan trọng vào thiết lập hòa bình, an ninh và thúc đẩy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia này. Xy-ri cũng là nơi Nga đặt căn cứ hải quân duy nhất ở khu vực Ðịa Trung Hải. Cũng tại thủ đô Cai-rô của Ai Cập, Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A.Ghê-ít để thảo luận phương thức giải quyết các bất đồng trong khu vực. Hai bên đã trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như các biện pháp để đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại khối A-rập. Ông A.Ghê-ít kêu gọi Nga tiếp tục phát huy vai trò tích cực nhằm duy trì sự thống nhất của Xy-ri. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tuyên bố ủng hộ Xy-ri quay trở lại AL trong thời gian tới và ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của người đứng đầu AL.

Chuyến thăm I-ran của Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp diễn ra đúng thời điểm quan hệ I-ran và I-xra-en căng thẳng liên quan sự cố tại cơ sở hạt nhân Na-tan của I-ran. Ðây là dịp để Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với Tê-hê-ran nhằm tháo gỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân của I-ran. Tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà I-ran ký với nhóm P5+1, Nga luôn hối thúc các nỗ lực nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tê-hê-ran. Mát-xcơ-va khẳng định I-ran trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ ý chí và sẵn sàng hợp tác để quay lại thực hiện đầy đủ JCPOA. Với sự hợp tác chặt chẽ trong vấn đề năng lượng hạt nhân, Chính phủ Nga gần đây cam kết khoản vay trị giá 1,2 tỷ ơ-rô cho dự án của I-ran xây dựng một nhà máy điện lớn tại thành phố Xơ-rích sát vùng Vịnh ở biển Ô-man, miền nam nước này. Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Tổng thống I-ran Ru-ha-ni cũng đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng và thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước. Nhà lãnh đạo I-ran khẳng định quan hệ song phương Mát-xcơ-va - Tê-hê-ran cần được phát triển bất chấp những áp lực.

GA đã không ngừng xúc tiến các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp tháo gỡ các cuộc khủng hoảng ở Trung Ðông - Bắc Phi. Chiếm vị trí địa -
chính trị chiến lược và cũng là đối tác quan trọng của Nga trong nhiều lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, khu vực này luôn nằm trong chính sách ưu tiên thúc đẩy hợp tác của Nga. "Cái bắt tay" chặt chẽ với các quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Ðông - Bắc Phi giúp Nga thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực này.