Mùa đông khó khăn của châu Âu

Châu Âu, nhất là các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đang đối mặt một mùa đông bất thường, khắc nghiệt và đầy thử thách khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại và dự báo tình hình còn nghiêm trọng hơn trong mùa đông tới. Theo đó, triển vọng phục hồi kinh tế khu vực có thể cũng sẽ bị nhấn chìm bởi “làn sóng Covid-19” mới.

Theo số liệu mà hãng tin AFP vừa công bố, đầu tuần này, số ca mắc Covid-19 trên toàn châu Âu đã vượt sáu triệu ca, trong đó có gần 238 nghìn người chết. Hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là thành viên EU. Ðáng lo ngại là sau một thời gian khống chế dịch tương đối thành công, Anh và nhiều nước EU như Tây Ban Nha, Pháp… đang trở lại thành “điểm nóng” về số ca nhiễm Covid-19. Tại Ai-len, trong ba tuần qua, số ca mắc Covid-19 theo ngày đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 493 ca/ngày. Giới chức y tế Ai-len cảnh báo số ca mắc Covid-19 đang tăng theo cấp số nhân và số ca nhập viện dự báo gia tăng trong thời gian tới sẽ đặt ra thách thức đáng kể đối với an sinh xã hội. Trong khi đó, tại Ðức, thống kê đầu tuần này vừa cho thấy, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 4.000 ca trong vòng 24 giờ, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 4. Trước tình trạng làn sóng Covid-19 mới bùng phát trở lại, giới chức Ðức đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát trong mùa thu này và mùa đông tới.

Ðể đối phó với dịch Covid-19, các quốc gia châu Âu đã bắt đầu tăng cường biện pháp phòng ngừa. Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế đối với các khu vực ở phía bắc Ing-lân khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 gia tăng ở khu vực này. Bộ trưởng Nhà ở Anh vừa cho biết, vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 đang lây lan nhanh chóng ở khu vực bắc Ing-lân và ở thành phố khác như Nót-tinh-ham. Vì vậy, Chính phủ Anh đang xem xét để đưa ra các biện pháp phù hợp và nhất quán hơn đối với các khu vực này. Tại Ðức, Bộ Y tế đã khuyến cáo việc siết chặt phòng dịch và kêu gọi người dân hợp tác và tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, gồm giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió ở các không gian kín.

Tình hình nêu trên khiến các quốc gia châu Âu đang đối mặt với một mùa đông đầy khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ đến từ dịch bệnh nghiêm trọng, nền kinh tế khu vực cũng sẽ đối mặt với một “mùa đông băng giá” khi các biện pháp giãn cách xã hội đang và sẽ ngày càng gia tăng. Kết quả cuộc khảo sát do hãng Roi-tơ tiến hành với nhiều nhà kinh tế cho thấy, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh đang là mối đe dọa lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Theo các nhà phân tích, kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi mạnh mẽ do vừa qua, các biện pháp phong tỏa, cách ly đang dần được nới lỏng và các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ hai bùng phát có thể khiến nhiều nước lại “bế quan tỏa cảng” thực hiện cách ly và điều này cản trở tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc đồng ơ-rô mạnh lên gây khó khăn cho xuất khẩu cùng viễn cảnh đàm phán thương mại Anh - EU hậu Brexit thất bại, cũng sẽ là “kỳ đà cản mũi” với tăng trưởng kinh tế EU. Cuộc khảo sát nêu trên cũng đưa ra dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng trong quý III và IV-2020, sau khi giảm 11,8% trong quý II. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu tăng phi mã như hiện nay, dự báo nêu trên có thể là quá “mầu hồng”.

Để vượt qua một mùa đông giá lạnh và nhiều thách thức phía trước, EU đang nỗ lực tìm nguồn cung vắc-xin cho các thành viên trong “đại gia đình” của mình. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thuốc Gilead của Mỹ để mua thuốc kháng vi-rút Remdesivir cho khoảng 500.000 người bệnh mắc Covid-19. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị cấp cao đặc biệt EU, Chủ tịch EC U.Lây-en cho biết, EC đã ký kết hai thỏa thuận mua vắc-xin tiềm năng và sẽ đàm phán để ký thêm năm thỏa thuận nữa. Hiện EC đang thương lượng thêm với bốn công ty khác. Hy vọng rằng, những liều vắc-xin nêu trên cùng với các “liều thuốc tăng lực” hàng trăm tỷ ơ-rô mà các nước EU đã thống nhất trong kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực mới đây sẽ giúp Liên hiệp châu Âu chặn đứng Covid-19 và vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu của khu vực.