Một mũi tên trúng hai đích

Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây tuyên bố sẽ cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 138 triệu ơ-rô cho lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố chung của các nước G5 Sahel. Cuộc chiến chống khủng bố tác động mạnh tới sự phát triển và ổn định của “lục địa đen”, song cũng gắn liền với lợi ích của châu Âu nằm bên kia bờ đại dương. Các quốc gia từ “lục địa già” tiếp tục thể hiện mối quan tâm và muốn duy trì ảnh hưởng ở khu vực châu Phi vốn chiếm vị trí quan trọng trên “bản đồ lợi ích” của châu Âu.

Hội nghị cấp cao khu vực châu Phi về chống chủ nghĩa khủng bố vừa diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa an ninh, đồng thời nỗ lực tìm cách nhằm ngăn chặn “bóng ma” của bạo lực đối với sự phát triển của châu lục. Các nhà lãnh đạo chính trị, hoạch định chính sách cấp cao và chuyên gia an ninh đến từ các nước trong khu vực và Liên hợp quốc đã thảo luận những chiến lược đổi mới nhằm giúp châu Phi đánh bại chủ nghĩa cực đoan đang hiện hữu tại lục địa đen, trong bối cảnh nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ và xung đột gia tăng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị ở Nairobi, trong đó cảnh báo, mối đe dọa khủng bố đang lan rộng tại châu Phi và gây bất ổn toàn khu vực. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cho rằng, việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 cho phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi, theo đó tạo nên một châu Phi ổn định, thịnh vượng và gắn kết. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước châu Phi chặn đứng mối đe dọa khủng bố. Đánh giá và nhìn nhận thực trạng hiện nay ở khu vực, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) M.Mahamat khẳng định, vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi là phát triển kinh tế, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ các doanh nghiệp do giới trẻ lãnh đạo. Đây được cho là “chìa khóa” để giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Lục địa đen từ lâu vốn đã bị gắn với một hình ảnh quen thuộc về một châu lục luôn bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo và xung đột triền miên.

Một trong những “điểm nóng” về tình trạng tội phạm và khủng bố ở châu Phi hiện nay là khu vực Sahel, dải đất có nhiều hoang mạc, nơi các hoạt động buôn lậu vũ khí, buôn người, tội phạm hoành hành nghiêm trọng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gia tăng nhanh tại vùng Sahel sau khi bất ổn xảy ra tại Libya. Số vụ tiến công nhằm vào dân thường và các cơ quan gia tăng tại những nước ở khu vực rìa phía nam Sahara. Xung đột sắc tộc và đụng độ giữa một số cộng đồng cũng đã dẫn tới “mức độ bạo lực cao nhất từ trước tới nay” ở khu vực này. Các nước Niger, Nigeria, Burkina Faso, Cộng hòa Sát và Cameroon thường xuyên phải hứng chịu bạo lực do nhóm phiến quân Boko Haram nổi dậy tại khu vực đông bắc Nigeria gây ra. Bạo lực liên quan nhóm này khiến khoảng 27 nghìn người chết và 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực. Trước tình trạng bạo lực và khủng bố gia tăng, năm quốc gia khu vực Sahel (G5 Sahel), gồm Mali, Cộng hòa Sát, Mauritanie, Niger và Burkina Faso, đã thành lập lực lượng chống khủng bố chung, với 5.000 binh sĩ và được sự hậu thuẫn của Pháp. Tuy nhiên, tổ chức này luôn đối mặt tình trạng thiếu nguồn tài chính, thiết bị.

Trước một “bức tranh an ninh” u ám ở châu Phi, khoản viện trợ mới của EU dành cho G5 Sahel nhằm tăng cường hỗ trợ lực lượng chung của các nước trong khu vực. Trong việc củng cố quan hệ đối tác giữa EU với G5 Sahel, hai bên đã nhất trí đổi mới phương thức và các lĩnh vực hỗ trợ để lực lượng của G5 Sahel có thể phát huy hiệu quả trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực ngày càng diễn biến xấu. Ngoài thực hiện các chiến dịch chống khủng bố, lực lượng này cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mạng lưới buôn lậu và đưa người nhập cư bất hợp pháp hoạt động ở vùng Sahara.

Việc châu Âu tăng cường trợ giúp các nước châu Phi chống khủng bố cũng gián tiếp giúp ngăn chặn làn sóng di cư từ châu Phi đang đổ sang “lục địa già”. Một châu Âu bên kia bờ Địa Trung Hải có yên ổn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của châu Phi. Bởi thế, việc hỗ trợ châu Phi tăng cường an ninh cũng giúp các nước EU thực hiện “một mũi tên hai đích” trong “bài toán lợi ích”, vừa nhằm duy trì ảnh hưởng ở vùng đất châu Phi giàu tiềm năng, vừa chặn từ đầu nguồn dòng người di cư bất hợp pháp chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở lục địa đen để tìm “miền đất hứa” bên kia bờ Địa Trung Hải.