Mong manh số phận JCPOA

Giới chức các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran đã nhóm họp ở thủ đô Viên của Áo nhằm cứu vãn thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tê-hê-ran tuyên bố tiếp tục không thực hiện các cam kết. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất đồng giữa I-ran và phương Tây gia tăng, những nỗ lực ngoại giao nhằm níu giữ thỏa thuận hạt nhân vẫn hết sức mong manh.

Đây là lần đầu kể từ tháng 7 vừa qua, thời điểm I-ran bắt đầu giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đại diện I-ran và năm nước còn lại trong nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Ðức, Trung Quốc, Nga) nhóm họp. Các nước châu Âu "đau đầu" giữa nỗ lực cứu vãn JCPOA và cách thức phản ứng trước việc I-ran vi phạm các cam kết trong thỏa thuận này. Các cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp, Ðức (E3) đang tỏ ra hết dần kiên nhẫn trong ứng xử với I-ran. Tại cuộc họp ở Viên lần này, các nước E3 yêu cầu I-ran ngừng vi phạm thỏa thuận, nếu không có thể đối mặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, giới ngoại giao nhận định, có rất ít khả năng I-ran sẽ nhượng bộ trong bối cảnh I-ran đang phải đối mặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Một quan chức ngoại giao châu Âu cho rằng, cánh cửa đàm phán để cứu vãn JCPOA gần như không mở.

Tê-hê-ran giảm cam kết trong JCPOA nhằm đáp lại quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với I-ran. Tê-hê-ran đã nối lại hoạt động làm giàu u-ra-ni tại cơ sở Pho-đâu ở miền nam, đồng thời bắt đầu làm giàu u-ra-ni tại nhà máy Na-tan ở miền trung. Chỉ trích các nước E3 đã không bảo vệ được nền kinh tế quốc gia Hồi giáo trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Tê-hê-ran cho rằng, các nước châu Âu đã phản ứng chậm trễ trong việc tạo thuận lợi cho các giao dịch ngân hàng cùng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của I-ran.

Ðại sứ các nước Anh, Pháp và Ðức mới đây đã gửi thư kêu gọi Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét thông báo cho Hội đồng Bảo an rằng, chương trình tên lửa của I-ran là "không tuân thủ" nghị quyết của LHQ. Ðáp lại, I-ran tuyên bố bức thư này cho thấy "sự thiếu hiểu biết" của các nước châu Âu trong việc thực hiện những cam kết, đồng thời cho rằng các nước E3 không nên "cúi đầu" trước sự đe dọa của Mỹ.

I-ran vẫn khẳng định có thể nhanh chóng hủy bỏ các bước giảm cam kết theo JCPOA, nếu các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân tìm ra cách giúp Tê-hê-ran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tê-hê-ran cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Oa-sinh-tơn nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đây là điều rất khó có đột phá, bởi cả Mỹ và I-ran đều luôn bảo lưu quan điểm cứng rắn, không bên nào chịu nhượng bộ. Các nhà ngoại giao cho rằng, sẽ không có quyết định chính trị nào được đưa ra cho tới tháng 1-2020, khi I-ran dự kiến tiếp tục thu hẹp các cam kết trong JCPOA.

Theo các nhà phân tích, nếu các cường quốc châu Âu thực hiện những tuyên bố mới đây về giải quyết tranh chấp trong JCPOA thì sẽ càng làm suy yếu các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Trong trường hợp các biện pháp trừng phạt của LHQ được tái áp đặt và JCPOA đổ vỡ, không loại trừ khả năng I-ran sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tình hình hiện nay cho thấy, I-ran và phương Tây dường như đang mắc kẹt trong mớ bòng bong của "vòng tròn leo thang" căng thẳng. Nếu không bên nào chịu nhượng bộ, nỗ lực ngoại giao của các nước châu Âu, vốn là sợi dây níu giữ thỏa thuận hạt nhân I-ran hiện nay, sẽ rất mong manh, đặt JCPOA vào thế "nghìn cân treo sợi tóc".