Bình luận quốc tế

Mối lo chung

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa qua, người phát ngôn của định chế tài chính này đã bày tỏ quan ngại rằng, những căng thẳng thương mại giữa các nước, trong đó có căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, bắt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu. Đây cũng là mối lo chung của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và cộng đồng quốc tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang trong thời gian qua đã khiến các chuyên gia của IMF gia tăng quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Đầu năm 2019, IMF đã dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ mất 0,5% trong năm tới do tác động từ các mức thuế quan. Tuy nhiên, các đánh giá của định chế tài chính này đang ngày càng u ám hơn. Tháng 8 vừa qua, IMF đã cảnh báo rằng, kinh tế Trung Quốc “giảm tốc” trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ gia tăng, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ còn giảm mạnh, tỷ lệ thuận với mức thuế quan Washington áp với hàng hóa của Bắc Kinh. Mặc dù IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay xuống 6,2%, song IMF lưu ý nếu mức thuế 25% của Mỹ vẫn được duy trì đối với hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á này sẽ tiếp tục giảm trong năm tới. Nhà kinh tế trưởng của IMF còn lo ngại các mức thuế quan được Mỹ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc gây ra những tác động tiêu cực tới người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như trên toàn cầu.

Cảnh báo của IMF đã gia tăng khi người phát ngôn IMF G.Rice cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, bắt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó hoạt động chế tạo sụt giảm chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hơn mười năm trước. Cuộc chiến nêu trên có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm từ 0,5% đến 0,8% và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm tới. Người phát ngôn IMF cũng tiết lộ rằng, IMF dự kiến công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới trong tháng tới, với đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu “rất bấp bênh”.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự về triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới và nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy giảm tăng trưởng. Kết quả một nghiên cứu do FED vừa công bố cho thấy, sự bất ổn gia tăng mạnh từ năm 2018 liên quan chặt chẽ đến tình trạng giảm sút sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu. Do tình trạng leo thang căng thẳng thương mại tái diễn nhiều lần, dự kiến sự bất ổn sẽ gia tăng tác động đối với GDP của Mỹ trong suốt đầu năm 2020, dẫn tới mức giảm 1%.

Vấn đề đáng lưu ý hiện nay là những cảnh báo nêu trên của IMF và FED không chỉ phản ánh mối lo chung về triển vọng kinh tế toàn cầu, mà còn cho thấy khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc còn kéo dài. Cuối tuần qua, Công ty tư vấn tài chính tiêu dùng Bankrate nhận định rằng, dự báo mới của IMF phản ánh “thái độ hoài nghi” của định chế tài chính này về khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại. Mặc dù tuần qua Mỹ và Trung Quốc đã phát đi tín hiệu hòa dịu trong tranh chấp thương mại, nhưng kết quả cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin Reuters tiến hành vẫn cho thấy, gần 80% trong số 60 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ duy trì ở mức độ hiện nay hoặc “sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới”. Cố vấn Kinh tế Nhà trắng L.Cắt-lâu trả lời báo chí cũng cho rằng, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào đầu tháng 10 tại Washington có thể sẽ “nóng lên” và kết quả sẽ khó dự đoán.

Cũng theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, có tới hơn 85% số người được hỏi cho rằng FED sẽ sớm điều chỉnh lãi suất để tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế Mỹ. Giới phân tích nhận định rằng với tình hình kinh tế Mỹ đối mặt khó khăn hiện nay, sức ép từ ông chủ Nhà trắng D.Trump đòi FED điều chỉnh lãi suất sẽ ngày một gia tăng. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, Tổng thống D.Trump thường công khai chỉ trích FED vì chậm giảm lãi suất. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, FED đã lần đầu giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25 đến 2,5% xuống biên độ 2 đến 2,25%. Tuy nhiên, ông D.Trump đã kêu gọi FED hạ lãi suất xuống 0% hoặc thấp hơn. Cuối tuần qua, chỉ vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, Tổng thống Mỹ ngay lập tức đã chỉ trích FED vì không “hành động nhanh chóng” như ECB để hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Tuy nhiên, giảm lãi suất không phải là “phương thuốc chữa bách bệnh” với kinh tế Mỹ. Căn nguyên của khó khăn kinh tế tại Mỹ cũng như thế giới hiện nay là do “lực cản” của chủ nghĩa bảo hộ. Bởi vậy, mối lo chung của thế giới về kinh tế toàn cầu chỉ có thể được giải tỏa khi cuộc chiến thương mại được “hạ nhiệt” và các rào cản thuế quan vô lý được các bên cùng dỡ bỏ.