Lợi ích chiến lược tương đồng

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a đang chứng kiến những chuyển động tích cực, sau khi Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Ô-xtrây-li-a với hàng loạt thỏa thuận hợp tác được hai bên ký kết. Những lợi ích song trùng của hai bên trong không gian rộng lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là “chìa khóa” thúc đẩy Niu Đê-li và Can-bơ-rơ xích lại gần nhau.

Chuyến công du Ô-xtrây-li-a kéo dài ba ngày của Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước, bởi đây là lần đầu, một vị tổng thống Ấn Độ tới thăm quốc gia châu Đại Dương. Trong khuôn khổ chuyến thăm, năm thỏa thuận hợp tác về những lĩnh vực quan trọng như vấn đề người khuyết tật, nghiên cứu nông nghiệp, giáo dục… đã được hai bên ký kết. Cao ủy Ấn Độ tại Ô-xtrây-li-a A.Gôn-đên nhấn mạnh, chuyến thăm là minh chứng cho triển vọng quan hệ hợp tác đầy tươi sáng của hai nước, bất chấp những “lùm xùm” gần đây liên quan vấn đề đường mía giữa Niu Đê-li và Can-bơ-rơ. Về phần mình, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mô-ri-xơn cho rằng, trong vòng 20 năm tới, Ấn Độ sẽ là thị trường mang lại nhiều cơ hội nhất cho các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a.

Song hành cùng hợp tác về kinh tế, hợp tác về an ninh - quốc phòng từ lâu đã được giới lãnh đạo Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ tập trung thúc đẩy. Hai bên nỗ lực duy trì cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2+2 nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Niu Đê-li và Can-bơ-rơ có mối quan hệ song phương nồng ấm dựa trên những giá trị dân chủ chung. Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin chống mối đe dọa của bóng ma khủng bố, nhất là của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trên thực tế, sự xích lại gần nhau của Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a không chỉ bởi những giá trị chung mà hai bên cùng chia sẻ trong quan hệ song phương, mà còn bởi những lợi ích chiến lược tương đồng từ các sáng kiến kết nối khu vực. Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi đã có bài phát biểu trước toàn thể nghị sĩ Quốc hội Ô-xtrây-li-a. Trong đó, ông N.Mô-đi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh hàng hải; đồng thời kêu gọi các nước không nên làm ngơ trước những rủi ro đang trỗi dậy đối với nền hòa bình của châu Á - Thái Bình Dương.

Nhận ra vai trò và những lợi ích chiến lược tương đồng của Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp - một trong những cường quốc ở châu Âu - cũng thể hiện quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực rộng lớn này bằng việc kêu gọi thành lập liên minh với cả hai nước. Trong chuyến thăm Ô-xtrây-li-a vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã nêu sáng kiến thành lập một “trục chiến lược” mới gồm ba bên là Pháp, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ. Sở dĩ Pháp hướng tới khu vực này, bởi đây là nơi mà Pa-ri có sự gắn bó mật thiết về mặt lợi ích, với nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại và các căn cứ quân sự đóng tại đây. Theo Pháp, liên minh chiến lược ba nước sẽ giữ “vai trò trung tâm” trong việc bảo đảm an ninh và thịnh vượng, trên cơ sở duy trì cân bằng quyền lực ở khu vực và góp phần thúc đẩy trật tự thế giới hòa bình, ổn định, dựa trên luật lệ. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu sáng kiến trục chiến lược Pa-ri - Can-bơ-rơ - Niu Đê-li đi vào cuộc sống thì đây sẽ là chìa khóa góp phần duy trì tầm ảnh hưởng chiến lược của các bên tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mục tiêu chung mà các bên cùng hướng tới.

Với những lợi ích chiến lược song trùng, việc Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a thắt chặt quan hệ song phương về nhiều mặt là lẽ tất yếu, trong bối cảnh châu Á đang nổi lên là một trọng tâm của các hệ thống và toan tính chiến lược toàn cầu. Sự kết nối chặt chẽ hơn giữa Niu Đê-li và Can-bơ-rơ, hai “mắt xích” quan trọng trong các sáng kiến liên kết khu vực, cũng sẽ ảnh hưởng đến cục diện toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn trong thời gian tới.