Liên minh lợi ích

Liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu vừa chính thức khởi động các chiến dịch tại Ba-ren nhằm bảo vệ tàu bè qua lại vùng biển “nóng” ở vùng Vịnh sau loạt vụ tiến công tàu chở dầu thời gian gần đây. Đây là một trong những động thái phối hợp giữa Mỹ và đồng minh nhằm bảo vệ các lợi ích ở khu vực địa-chính trị chiến lược.

Liên minh mang tên Xây dựng an ninh biển (IMSC) đã được Mỹ kêu gọi thành lập từ tháng 6 vừa qua, với mục đích “loại bỏ các mối đe dọa đối với nguồn cung dầu mỏ thế giới”. Dưới “chiếc ô” bảo trợ của Mỹ, các đồng minh ở vùng Vịnh đã tham gia liên minh nhằm hộ tống tàu thương mại của họ đi qua eo biển Hoóc-mút, điểm “nút cổ chai” chiến lược trước khi vào vùng Vịnh và cũng là tuyến huyết mạch của hoạt động vận tải dầu mỏ của Trung Đông. Ba-ren, nơi có căn cứ Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, đã tham gia IMSC vào tháng 8, trong khi A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) gia nhập từ tháng 9. Ô-xtrây-li-a và Anh cũng nhất trí cử tàu chiến đến hộ tống tàu bè qua lại vùng Vịnh. Hầu hết các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) từ chối tham gia do lo ngại ảnh hưởng các nỗ lực của họ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Tê-hê-ran.

Liên minh IMSC được lập ra sau loạt vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Trung Đông, Phó Đô đốc G.Man-loi cho biết, “Chiến dịch canh gác” là một biện pháp phòng vệ nhằm bảo vệ biển ở khu vực này. Các điểm nằm trong chiến dịch bao gồm eo biển Hoóc-mút, Báp An Man-đáp, biển Ô-man và vịnh A-rập. Eo biển Hoóc-mút với khoảng rộng ở điểm hẹp nhất là 33 km, án ngữ tuyến đường biển nối liền vịnh Ô-man và vịnh Péc-xích, hiện do I-ran và UAE kiểm soát. Mỹ và các đồng minh ở vùng Vịnh cho rằng họ đang đối mặt các mối đe dọa an ninh.

Sau khi quyết định rút quân khỏi miền bắc Xy-ri, Mỹ đang tập trung cho nỗ lực bố trí lại lực lượng tại Trung Đông, trong đó có kế hoạch điều máy bay chiến đấu và các khẩu đội pháo phòng thủ tên lửa bổ sung, cùng với khoảng 3.000 binh sĩ tới A-rập Xê-út. Mỹ và quốc gia đồng minh vùng Vịnh đã bàn về hợp tác chiến lược. Để tăng cường phối hợp, mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao A-rập Xê-út A.Giu-bê-ia và Bộ trưởng Quốc phòng và Các vấn đề an ninh Ca-ta Kh.Át-ti-y-a đã có chuyến thăm Mỹ, quốc gia luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhằm đối phó I-ran cũng như để phối hợp trong các vấn đề song phương và khu vực. Trong bối cảnh Ca-ta và A-rập Xê-út rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao dẫn tới bất đồng sâu sắc giữa hai thành viên GCC này, Mỹ đóng vai trò trung gian nhằm làm hài hòa mối quan hệ căng thẳng giữa Đô-ha và Ri-i-át.

Việc triển khai liên minh bảo vệ eo biển Hoóc-mút được Mỹ khẳng định là nhằm mục đích “răn đe và phòng vệ”. Các “mối đe dọa an ninh” mà Mỹ đưa ra chủ yếu nhằm vào I-ran. Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc vụ I-ran tiến công máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6 vừa qua sau khi Tê-hê-ran bắt giữ tàu chở dầu của Anh, cùng với vụ tiến công nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của A-rập Xê-út đã làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Tuy nhiên, I-ran đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu các vụ tiến công và đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường an ninh vùng Vịnh mà không cần sự can dự của các nước ngoài khu vực. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cáo buộc các lực lượng nước ngoài gây mất an ninh tại vùng Vịnh. Ông kêu gọi các lực lượng nước ngoài “hãy tránh xa” vùng Vịnh và “không nên biến khu vực này thành một cuộc chạy đua vũ trang”.

Sau khi Mỹ khởi động chiến dịch bảo vệ vùng Vịnh, Anh đã hạ mức độ rủi ro an ninh cho các tàu treo cờ Anh đi qua eo biển Hoóc-mút. Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, các tàu treo cờ Anh sẽ sớm có thể đi qua eo biển này mà không cần lực lượng Hải quân Hoàng gia hộ tống.

Trong bối cảnh hiện nay, vùng Vịnh tạm lặng sóng khi các bên còn theo dõi động thái chung quanh hoạt động tuần tiễu của Mỹ và đồng minh ở khu vực này. Tuy nhiên, mối đe dọa an ninh thật sự chỉ có thể được giải tỏa sau khi mọi căng thẳng được hạ nhiệt thông qua các giải pháp chính trị nhiều hơn là các động thái “răn đe” trên thực địa.