Lạc quan thận trọng

Những dấu hiệu tích cực đầu tiên của kinh tế thế giới được ghi nhận, khi tiến bộ trong phát triển vắc-xin và các phương pháp điều trị Covid-19 làm tăng hy vọng về hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định lạc quan rằng, kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm sau. 

Trong đánh giá mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, nhà kinh tế trưởng của OECD L.Bun cho rằng, lần đầu kể từ khi đại dịch xuất hiện, tia hy vọng sáng lên khi những dấu hiệu cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 có thể sớm được phân phối. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của OECD thừa nhận, con đường phía trước còn nhiều thách thức. Các lệnh phong tỏa chống dịch kéo dài nhiều tháng tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, với dự báo GDP toàn cầu giảm 4,2% trong năm nay và kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào năm 2021, nhưng chỉ với mức tăng trưởng 4,2%. OECD cũng đánh giá cao các hành động chưa có tiền lệ từ chính sách hỗ trợ của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm giảm tổn thương cho các nền kinh tế.

Sự phục hồi được nhận định mạnh và nhanh hơn, là bởi ngày càng có nhiều hoạt động mở cửa trở lại. Tại châu Á, hoạt động sản xuất tiếp tục đà phục hồi ổn định trong tháng 11 vừa qua, với những diễn biến khởi sắc của kinh tế Trung Quốc. Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc tăng tốc nhanh nhất trong mười năm qua, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần trở về mức tăng trưởng trước đại dịch. Nhu cầu toàn cầu phục hồi ổn định cũng giúp hoạt động sản xuất ở Nhật Bản tiến gần mức ổn định, hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc cũng đạt tốc độ nhanh nhất trong gần mười năm qua.

Nền kinh tế số một thế giới cũng chứng kiến sự phục hồi, tuy còn mong manh. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẳng định, biện pháp hỗ trợ các thị trường cấp vốn ngắn hạn đang giúp tăng dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế Mỹ. Theo FED, tiến bộ trên thị trường lao động và thông tin tích cực trong hoạt động phát triển và điều chế vắc-xin phòng Covid-19 giúp tạo thêm động lực cho kinh tế phục hồi. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đánh giá, các gói biện pháp theo Ðạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD đã hỗ trợ thúc đẩy việc tuyển dụng lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 6,9%.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cũng có dấu hiệu phục hồi. Sau khi đón nhận những thông tin tích cực liên quan vắc-xin ngừa Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài đã "rót" một khoản tiền kỷ lục, tới 76,5 tỷ USD, vào các dự án tại thị trường mới nổi trong tháng 11 vừa qua.

Những yếu tố tích cực giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng tăng trưởng có thể sẽ không đồng đều và nền kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức. Với nền kinh tế đầu tàu là Mỹ, triển vọng thiếu chắc chắn và việc nhiều doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa tiếp tục làm suy giảm những thành quả, gây tổn hại lớn cho người lao động và các doanh nghiệp Mỹ. Mới chỉ có 50% trong số hơn 20 triệu việc làm đã mất do dịch bệnh ở nước này được khôi phục. FED quan ngại, kinh tế Mỹ có nguy cơ gặp khó khăn mới nếu Quốc hội nước này không thể thông qua gói hỗ trợ kinh tế ước tính 2.000 tỷ USD, vốn được cho là giúp đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi "vũng lầy".

Tại châu Âu, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai và các biện pháp phong tỏa gây rủi ro lớn đối với Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), khiến kinh tế khu vực này khó có thể phục hồi trong tương lai gần. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, triển vọng ngắn hạn ảm đạm đồng nghĩa các nền kinh tế Eurozone cần hỗ trợ nhiều hơn, từ cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô của Liên hiệp châu Âu (EU) được kỳ vọng tạo động lực quan trọng cho khôi phục tăng trưởng, nhưng vẫn bị trì hoãn do bất đồng giữa các nước thành viên.

Những tin tức tích cực về nghiên cứu và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, cùng các hoạt động sản xuất dần sôi động trở lại, đang làm tăng hy vọng năm khủng hoảng sớm kết thúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khu vực còn đối mặt rủi ro và tiến trình phục hồi còn nhiều thách thức, các chuyên gia vẫn thận trọng khi bày tỏ lạc quan về triển vọng của kinh tế thế giới.