Kỳ vọng kép

Nước Mỹ đang kỳ vọng có được những liều vắc-xin tự sản xuất đầu tiên để sự kiện này trở thành "một mũi tên trúng hai đích", vừa giúp ngăn chặn dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho Tổng thống Ð.Trăm trong cuộc đua vào Nhà trắng nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, trong khi thuốc chống đại dịch cho người dân có thể sớm được công bố thì gói cứu trợ kinh tế mới, "liều thuốc tăng lực" cho nền kinh tế Mỹ có thể bị trì hoãn tới sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11.

Trước thềm cuộc đua vào Nhà trắng nhiệm kỳ tới, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm trong chương trình trên Ðài ABC News mới đây đã thể hiện sự lạc quan về vắc-xin ngừa Covid-19, khi cho rằng "xứ cờ hoa" sẽ sớm có vắc-xin trong 3 đến 4 tuần tới. Giới chuyên gia và đảng Dân chủ thời gian qua cũng đã bày tỏ lo ngại việc ông Ð.Trăm gây áp lực lên các cơ quan y tế, đẩy nhanh việc thông qua vắc-xin sớm nhằm tạo lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11-2020. Theo hãng tin AFP, tuyên bố đang có "tiến triển lịch sử" với ba loại vắc-xin đang trong các giai đoạn phát triển và thử nghiệm cuối cùng, ông Ð.Trăm nhận định ít nhất 100 triệu liều vắc-xin sẽ được sản xuất trước cuối năm nay. Ông cho biết những liều vắc-xin đầu tiên sẽ được cung cấp ngay sau khi phê duyệt. Trong khi đó, trong phiên điều trần trước các nghị sĩ Mỹ mới đây, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khẳng định, dù Mỹ có vắc-xin vào tháng 11 hoặc 12 tới thì nguồn cung sẽ rất hạn chế, chủ yếu dành cho nhóm được ưu tiên như nhân viên y tế chống dịch. Việc đưa vào sử dụng vắc-xin rộng rãi sẽ mất nhiều tháng, có thể tới mùa hè và mùa thu năm 2021.

Như vậy, việc nước Mỹ tự sản xuất được vắc-xin phòng Covid-19 trong năm nay có thể coi là mục tiêu "trong tầm tay". Tuy nhiên, để nước Mỹ có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay, ngoài việc có vắc-xin cho người dân, cần phải có những "liều thuốc tăng lực" mạnh cho nền kinh tế đang ốm yếu. Trong bối cảnh chỉ còn khoảng ba tuần nữa là đến ngày bầu cử, chính quyền của Tổng thống Ð.Trăm đã đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD giúp giảm những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế đầu tàu thế giới. Ðề xuất mới này cao hơn so với đề xuất 1.600 tỷ USD mà đảng Cộng hòa đưa ra trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức đề xuất 2.000 tỷ USD của đảng Dân chủ. Theo người phát ngôn Nhà trắng A.Pha-ra, Chính phủ Mỹ sẵn sàng tăng gói cứu trợ, nhưng ở mức dưới 2.000 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, đề xuất gói cứu trợ mới trị giá 1.800 tỷ USD nêu trên cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Tổng thống Ð.Trăm khi trước đó ông tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán với Quốc hội về vấn đề này.

Các chuyên gia kinh tế nhận định gói cứu trợ mới nhất này của Chính phủ Mỹ có ý nghĩa "tiếp sức" quan trọng cho nền kinh tế số một thế giới đang trên đà phục hồi, theo đó hỗ trợ các doanh nghiệp để ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và bảo đảm trợ giúp người lao động mất việc làm. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Ðạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới. Trong khi đó, đại dịch khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc làm và Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thúc giục Mỹ và các nước duy trì các biện pháp chi tiêu để vực dậy nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đã cận kề, giới phân tích quan ngại việc thông qua gói cứu trợ mới 1.800 tỷ USD nêu trên sẽ bị trì hoãn ở Quốc hội Mỹ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ M.Con-neo cho rằng Quốc hội khó có thể thống nhất về một gói cứu trợ mới trước ngày bầu cử do những bất đồng lớn về mức ngân sách chi tiêu. Trường hợp nước Mỹ không thể thông qua gói cứu trợ mới nêu trên trước bầu cử sẽ là điều đáng tiếc với cá nhân Tổng thống Ð.Trăm và cả kinh tế Mỹ. Bởi vì, việc nước Mỹ tuyên bố có vắc-xin phòng dịch Covid-19 cùng quyết định thông qua gói cứu trợ mới trước thềm bầu cử chắc chắn sẽ có tác dụng "cộng hưởng" tạo ra tác động tâm lý tích cực và làm gia tăng hy vọng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới. Ðiều này có lợi cho đương kim Tổng thống Ð.Trăm. Với kinh tế Mỹ, việc có vắc-xin cho người dân dù quan trọng, song muốn bảo đảm kinh tế phục hồi nhanh chóng thì còn phải có thêm "liều thuốc tăng lực" trị giá 1.800 tỷ USD nêu trên.

TRUNG KIÊN