Kinh tế Eurozone đối mặt khó khăn chồng chất

Kinh tế châu Âu đã chính thức bước vào suy thoái khi số liệu thống kê quý II-2020 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) giảm tới 12,1%, so với cùng kỳ năm 2019. Ðại dịch Covid-19 và việc đồng ơ-rô tăng giá đang là hai vật cản khiến nền kinh tế châu Âu khó thoát khỏi cảnh khó khăn hiện nay.

Ảnh minh họa: Reuters.
Ảnh minh họa: Reuters.

Cơ quan Thống kê châu Âu vừa cho biết, trong quý II-2020, kinh tế Eurozone đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng  Covid-19 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Ðáng lo ngại là tất cả các nền kinh tế đầu tàu của khu vực, kể cả những nền kinh tế từng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Ðức và Pháp, cũng chứng kiến sự suy giảm mạnh. Viện Thống kê quốc gia Pháp cho biết, nền kinh tế Pháp đã giảm 13,8% trong quý II do tác động của các biện pháp phong tỏa chống dịch. Như vậy, nền kinh tế Pháp đã tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp. Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Lơ Me vừa khẳng định “nước Pháp không bất lực trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại”. Tuy nhiên, vực dậy nền kinh tế đã lao dốc của Pháp trong bối cảnh hiện nay xem ra là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trong khi đó, số liệu thống kê tại các nền kinh tế lớn khác của châu Âu cũng đã tô đậm thêm bức tranh kinh tế đen tối của lục địa già. Ðức thông báo GDP sụt 10,1%, GDP của I-ta-li-a giảm 12,4%, GDP của Bồ Ðào Nha giảm 14,1% và Tây Ban Nha ghi nhận GDP giảm tới 18,5%. Tân Hoa xã dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế Ðức cho rằng, các số liệu nêu trên cho thấy tình hình suy giảm kinh tế của các thành viên trong đại gia đình Liên hiệp châu Âu (EU) thậm chí còn tồi tệ hơn so với dự đoán trước đây. Mặc dù các thống kê mới là ước tính sơ bộ và có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trong vài tuần tới, song cho thấy thực tế là các nền kinh tế Eurozone đã bị tác động tiêu cực nghiêm trọng trong những tháng gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên là do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở châu Âu từ đầu tháng 3 vừa qua để ngăn chặn dịch lây lan, khiến hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp không thiết yếu bị tạm ngừng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như làm chậm quá trình thương mại toàn cầu. Hiện tại, đại dịch Covid-19 và việc đồng ơ-rô tăng giá cũng đang là những trở ngại lớn đối với khả năng phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên EU. Mặc dù châu Âu hiện không còn là tâm bão về dịch bệnh của toàn cầu, nhưng nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn đang cản trở lớn tới các nỗ lực nhằm phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực này.

Trong khi đó, đồng ơ-rô gần đây tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ cũng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp châu Âu. Kể từ giữa tháng 5 đến nay, đồng ơ-rô đã tăng hơn 10% so với USD. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố chính khiến đồng ơ-rô tăng giá là bởi triển vọng phục hồi kinh tế của châu Âu tốt hơn so với Mỹ, nơi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến nghiêm trọng. Với các nhà xuất khẩu của EU thì việc ơ-rô tăng giá lại “lợi bất cập hại” bởi giá hàng hóa của châu Âu sẽ đắt đỏ hơn và làm giảm lợi thế xuất khẩu. Một thách thức không nhỏ nữa với kinh tế châu Âu là nợ công đang tăng mạnh khắp Eurozone và thậm chí đang vọt lên các mức cao đầy nguy hiểm ở một số nước Nam Âu, nhất là I-ta-li-a.

Trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào cảnh bĩ cực, hy vọng và cũng là điểm tựa lớn nhất để các nước thoát khỏi khủng hoảng lúc này là Quỹ phục hồi kinh tế châu Âu vừa được các nhà lãnh đạo thông qua gần đây. Sau nhiều cuộc đàm phán đầy gay cấn, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ ơ-rô cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021 - 2027 của khối trị giá 1.074 tỷ ơ-rô. Quỹ phục hồi này được kỳ vọng không chỉ tạo ra đòn bẩy tài chính cho các nền kinh tế khu vực, mà còn được xem là “một cử chỉ đoàn kết” nhằm chia sẻ khó khăn của cả khối với một số nước thành viên bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Hy vọng rằng, khi các thành viên dẹp bỏ mâu thuẫn và đồng tâm hiệp lực chống dịch bệnh, vực dậy đà tăng trưởng, nền kinh tế khu vực sẽ sớm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.