Khôi phục quan hệ đồng minh

Làm sống lại quan hệ đồng minh xuyên đại dương  là thông điệp nổi bật trong nhiều tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu. Chính quyền mới ở Mỹ đem đến luồng gió hy vọng cho liên minh phương Tây, song việc xây dựng chương trình nghị sự mới, nhằm “hồi sinh” hợp tác thực chất giữa hai bờ Đại Tây Dương còn cần nhiều nỗ lực, từ cả hai phía.

Trong thông điệp chính thức đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống G.Bai-đơn nêu bật mục tiêu đưa Mỹ trở lại các cam kết quốc tế, nhất là nỗ lực hàn gắn rạn nứt trong quan hệ đồng minh với châu Âu, vốn bị tổn thương trong những năm gần đây. Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước, ông G.Bai-đơn nhấn mạnh, mối quan hệ thân cận giữa Mỹ và châu Âu là một trong những tài sản đối ngoại quý giá nhất của “xứ cờ hoa”; Oa-sinh-tơn cam kết tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương trong các nỗ lực chung, nhất là chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Tuyên bố nêu trên của Tổng thống G.Bai-đơn được xem là lời khẳng định chính thức về mục tiêu khôi phục quan hệ đồng minh Mỹ - Liên hiệp châu Âu (EU), mà trước đó được người đứng đầu Nhà trắng đưa ra trong loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu. 

Thông điệp hàn gắn từ Oa-sinh-tơn cũng được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken nêu rõ tại cuộc trao đổi trực tuyến cuối tuần trước với những người đồng cấp Đức, Pháp và Anh. Đây là cuộc đối thoại sâu rộng đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn nhậm chức và được các bên đánh giá là diễn ra trong bầu không khí tin cậy, mang tính xây dựng. Ông A.Blin-ken nêu bật vai trò trung tâm của mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu trong việc giải quyết các thách thức về an ninh, khí hậu, kinh tế và y tế mà thế giới đang đối mặt. Các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy “hồi sinh” quan hệ đối tác truyền thống và gần gũi xuyên Đại Tây Dương, để phối hợp cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hơn bốn năm qua, quan hệ giữa Mỹ - EU gặp nhiều sóng gió, một phần xuất phát từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Trong khi tiến trình đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương còn trì trệ, tranh cãi lại gia tăng, thậm chí xung đột lên cao liên quan các “biểu thuế đen” hai bên áp dụng đối với hàng hóa của nhau. Rạn nứt lớn dần cùng những bước đi đơn phương của Oa-sinh-tơn rút khỏi các hiệp định, cơ chế quốc tế. Mối quan hệ đối tác lỏng lẻo khiến châu Âu hoài nghi cam kết của đồng minh thân cận và thúc đẩy ý tưởng hình thành liên minh riêng của châu Âu, không còn phụ thuộc Mỹ.

Hy vọng về “cây cầu” bắc qua Đại Tây Dương được nối nhịp trở lại đã nhen lên trong kỳ bầu cử vừa qua tại Mỹ. Ngay khi còn tranh cử, cam kết khôi phục mối dây thân tình của Tổng thống G.Bai-đơn từng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của những người bạn châu Âu. Cùng quan điểm cho rằng, Mỹ và EU vẫn là những trụ cột vững chắc và cần thiết cho hệ thống quốc tế cởi mở và ổn định, những quyết định của ông G.Bai-đơn đảo ngược chính sách biệt lập của chính quyền tiền nhiệm càng khiến châu Âu tin tưởng vào triển vọng phục hồi quan hệ xuyên đại dương. Cánh cửa đưa “xứ cờ hoa” trở lại hợp tác đa phương đã mở, khi ông G.Bai-đơn thông báo một loạt quyết định mới, như đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, tiếp tục ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hủy một loạt sắc lệnh về rút quân đồn trú khỏi Đức, hạn chế người nhập cư. Mỹ cũng bắn tín hiệu trở lại thỏa thuận hạt nhân I-ran, xem xét lại biểu thuế áp đặt với hàng hóa châu Âu nhằm hạ nhiệt tranh chấp thương mại...

Thiện chí và những bước đi tích cực từ Mỹ đã khích lệ các đồng minh ở châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Lây-en từng khẳng định, liên minh phương Tây vẫn bền vững, với nền tảng hợp tác giữa Mỹ và châu Âu dựa trên những giá trị lịch sử và chia sẻ, vì thế đã đến lúc hai bên khởi động một chương trình nghị sự mới. Tuy nhiên, việc cài đặt lại mối quan hệ đồng minh không phải điều có thể thực hiện một cách nhanh chóng. Nhất là khi ngoài châu Âu, chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn còn quá nhiều mối quan hệ đối ngoại cần xử lý gấp và khéo léo. Còn với EU, nỗ lực trở lại mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ cần được thực hiện song hành với ý tưởng thúc đẩy “lục địa già” tự chủ, tự quyết...

Cánh cửa cơ hội đã mở, song kết quả tái thiết mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương còn phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai bên để tận dụng cơ hội, bảo đảm cân bằng lợi ích lẫn nhau.