Khích lệ tiến trình đa phương

Dư luận quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ASEAN và các đối tác ký kết. Các nước thành viên tin tưởng RCEP thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, các nước ngoài khu vực coi hiệp định thương mại tự do bậc nhất thế giới này như "hồi chuông thức tỉnh", khích lệ các tiến trình thương mại đa phương còn trì trệ.

Trong tuyên bố chung sau lễ ký RCEP, lãnh đạo các nước thành viên nhấn mạnh, đây là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng và góp phần nâng cao vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các cơ chế, khuôn khổ ở khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Thực tế, với một thị trường gồm 2,2 tỷ dân (tương đương 30% dân số thế giới), chiếm khoảng 30% GDP và 28% giá trị thương mại toàn cầu, RCEP là một FTA khu vực chưa từng có, bởi sự giao hòa đa dạng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Hiệp định gồm 20 chương, 17 phụ lục và 54 lộ trình cam kết liên quan các vấn đề tiếp cận thị trường, các quy tắc và kỷ luật, cũng như hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Các nước thành viên kỳ vọng RCEP trở thành "người thiết lập" các tiêu chuẩn thương mại mới, tiên phong đặt ra các chuẩn mực, tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại khu vực trong tương lai. Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vừa diễn ra, các thành viên APEC đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của RCEP, góp phần thúc đẩy thương mại tự do và rộng mở, dựa trên luật lệ, tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, khích lệ các tiến trình liên kết kinh tế, hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Trên bình diện quốc tế, với những quy định, tiêu chuẩn cao và toàn diện, RCEP đã đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là xung đột thương mại xảy ra trên thế giới, RCEP đã tạo lực đẩy đúng lúc, vực dậy chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, là hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời năm 1994, RCEP có tầm quan trọng to lớn, tạo đà cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; và ý nghĩa lớn hơn đó là, FTA thế hệ mới này sẽ vẽ lại "bản đồ kinh tế và chiến lược" ở châu Á, thậm chí rộng hơn là ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Nhiều ý kiến bình luận của truyền thông quốc tế nhấn mạnh, "thế kỷ châu Á" đã tới cùng việc RCEP được ký kết. Yếu tố tiếp tục kéo trọng tâm nền kinh tế thế giới về phía châu Á đó là thương mại nội bộ khu vực. Tổng giá trị trao đổi thương mại giữa các nước châu Á hiện đạt 26.200 tỷ USD, lớn hơn mức của cả châu Âu và khu vực Bắc Mỹ cộng lại. Với 15 nền kinh tế thành viên, gồm cả các cường quốc kinh tế của thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và tiếp tục mở cửa với nền kinh tế lớn khác là Ấn Ðộ, RCEP là nền tảng vững chắc cho thương mại nội bộ châu Á gia tăng mạnh mẽ hơn nữa.

Cùng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, RCEP đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm hội tụ các FTA đa phương chất lượng cao và hiện đại. Ðồng thời, việc 15 nền kinh tế RCEP hình thành nên khối thương mại tự do lớn nhất thế giới cũng tạo áp lực lên những tiến trình thương mại đa phương còn trì trệ. Phòng Thương mại Mỹ nhận định, "xứ cờ hoa" đang thụt lùi trong cuộc đua giành cơ hội tại châu Á, khi đứng ngoài cả hai nhóm thương mại phát triển nhanh nhất thế giới là CPTPP và RCEP. Giới chức chuyên gia cũng cảnh báo, RCEP là "hồi chuông cảnh tỉnh" với Liên hiệp châu Âu (EU), khi FTA lớn nhất thế giới này tạo ra một trung tâm quyền lực thương mại mới mà không có sự tham gia của cả Mỹ và châu Âu. Bởi thế, để không tụt lại phía sau, EU không thể tiếp tục trì hoãn hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại tự do, như với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) hay với Ca-na-đa, cũng như chuẩn bị tốt cho đàm phán với Mỹ.

Không chỉ mở ra những cơ hội gia tăng trao đổi thương mại nội khối, RCEP còn tạo động lực mới cho tiến trình thương mại đa phương, khích lệ các đối tác bên ngoài hợp tác, đóng góp cho phát triển và hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sơn Ninh