Khi “bão chồng bão”

Nền kinh tế khu vực Trung Đông - Bắc Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng sau “cú sốc kép” đại dịch Covid-19 và khủng hoảng giá dầu. Với dự báo tăng trưởng rơi xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, các nước trong khu vực nỗ lực tìm mọi cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó có việc nới lỏng cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở các nền kinh tế hàng đầu khu vực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một lần nữa hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực Trung Đông - Bắc Phi, với cảnh báo sẽ suy thoái 5,7% trong năm nay, thậm chí tới 13% tại các nước đang có xung đột. Con số này cao gấp đôi mức suy thoái 2,4% so dự báo đưa ra hồi tháng 4. Đây là mức dự báo tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ năng lượng thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) được dự báo suy thoái ở mức 7,1%, trong khi dự báo trước đó là 4,4%. Tại các nước nhập khẩu dầu mỏ, thâm hụt ngân sách sâu sẽ khiến mức nợ công tăng vọt lên tương đương 95% GDP vào cuối năm nay. Các nước nhập khẩu dầu còn đối mặt tình trạng giảm ngoại tệ do lao động di cư gửi về, vốn là một nguồn thu đáng kể. 

Hậu quả của tình trạng suy thoái kinh tế là gia tăng thất nghiệp, nghèo đói, thâm hụt ngân sách và nợ công, nguy cơ bùng phát bạo loạn xã hội. Trong bối cảnh khoảng 25 triệu lao động nước ngoài đang sống và làm việc tại các nước GCC, tạo thành một nửa dân số của các nước này, suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người lao động. Dự báo, số lao động được tuyển dụng tại GCC sẽ giảm 13% trong năm nay, tước đi cơ hội việc làm của khoảng 1,7 triệu người tại A-rập Xê-út và 900 nghìn người tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). I-rắc đối mặt cuộc khủng hoảng thanh khoản sau khi giá dầu sụt giảm mạnh, buộc nước này phải cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội vốn là chỗ dựa cho hàng triệu nhân viên chính phủ để giảm gánh nặng ngân sách. A-rập Xê-út phải hoãn các dự án quy mô lớn. Những biện pháp cắt giảm bổ sung được đưa ra sau khi nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia này được ước tính sẽ thâm hụt khoảng 500 tỷ USD. Nguồn dự trữ ngoại hối của Cô-oét cũng được cho là sẽ suy giảm, trong khi Ba-ren dự kiến phải gánh khoản nợ lên tới 105% GDP trong năm 2020 dù đã nhận gói cứu trợ 10 tỷ USD từ các quốc gia láng giềng. Ai Cập và Li-băng chứng kiến nguồn ngoại hối giảm mạnh khi kiều hối mà công dân các nước này lao động ở vùng Vịnh gửi về sụt giảm đáng kể.

Là một trong những khu vực áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, Trung Đông không tránh khỏi chịu thiệt hại nặng nề bởi hầu hết hoạt động kinh tế bị đình trệ. Giá dầu giảm tới hai phần ba, có lúc xuống vùng âm, khiến các nước xuất khẩu dầu trong khu vực dự kiến thất thu khoảng 270 tỷ USD từ nguồn thu “vàng đen”. Trong khi đó, các nước bị ảnh hưởng nhất trong khu vực sẽ là những nền kinh tế “mong manh và trong tình trạng xung đột”. GDP trên đầu người ở những nước xảy ra bất ổn dự báo giảm từ 2.900 USD trong năm 2018-2019 xuống còn 2.000 USD năm nay. Theo đánh giá của IMF, đây là sự suy giảm thảm họa, khiến các thách thức nhân đạo và kinh tế thêm trầm trọng và làm gia tăng đói nghèo, kéo theo nguy cơ xảy ra bạo loạn xã hội nếu các chính phủ không kiểm soát được tình hình. Thất nghiệp gia tăng cùng với nghèo đói và bất công đặt ra thách thức lớn cho các chính phủ trong khu vực. 

Bên cạnh các gói kích thích kinh tế đã được đa số các nước đưa ra, nới lỏng hạn chế về sản lượng dầu mỏ được coi là “chìa khóa” nhằm bù đắp nguồn thu sụt giảm ở các cường quốc dầu mỏ, trong đó có nhiều quốc gia ở Trung Đông - Bắc Phi. Nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) nhất trí bước tiếp theo của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, theo đó nới lỏng mức cắt giảm khi nhu cầu dầu mỏ phục hồi. Trong giai đoạn hai, bắt đầu từ tháng 8 tới đến cuối năm nay, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, từ mức 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, được áp dụng trong hai tháng 5 và 6 vừa qua. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc nới lỏng cắt giảm sản lượng dầu mỏ vẫn đối mặt rủi ro bởi những diễn biến khó lường của đại dịch có thể tiếp tục ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

“Bão chồng bão” bởi đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm xuống mức kỷ lục giáng đòn mạnh vào các nền kinh tế ở Trung Đông - Bắc Phi. Các nước trong khu vực đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, những nguy cơ về suy thoái kinh tế gây lo ngại kéo theo những hệ lụy bởi đây là khu vực vốn có nhiều “điểm nóng” xung đột.