Khai thông dòng thương mại

Chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2021, Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo kinh tế, cũng như cuộc sống của toàn bộ người dân châu lục. Song, dòng chảy thương mại trì trệ, phần lớn do tình trạng “lạm phát” các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dấy lên quan ngại về triển vọng hiện thực hóa dự án khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

Còn chưa đầy ba tháng nữa, AfCFTA sẽ đi vào cuộc sống. Nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai và đón đầu các cơ hội to lớn từ FTA lịch sử, Liên minh châu Phi (AU) thúc giục các quốc gia thành viên nhanh chóng gỡ bỏ các hàng rào thương mại nội khối. Trong thông báo hôm 4-10, người đứng đầu Ủy ban Thương mại và Công nghiệp của AU nêu rõ, nếu “ma trận” các hàng rào thuế quan và phi thuế quan hiện được áp đặt tràn lan ở châu Phi không được giải quyết rốt ráo, thì việc triển khai AfCFTA sẽ gặp vô vàn khó khăn. AU nhấn mạnh, thành công của AfCFTA phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của các chính phủ 54 quốc gia thành viên, nhất là rà soát và giảm bớt, tiến tới loại bỏ các hàng rào thương mại.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông mang tên “Đơn giản hóa thương mại” (Trade Easier Campaign), do AU phối hợp Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) phát động. Trong đó, nêu đích danh các loại hàng rào phi thuế quan, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về giải pháp hiệu quả nhằm loại bỏ những trở ngại với thương mại nội khối. AU và UNCTAD cũng ra mắt trang thông tin trực tuyến, khuyến khích các doanh nghiệp châu lục phát hiện và thông báo tới các cơ quan chức năng về những rào cản bất hợp lý mà họ gặp phải trong quá trình hoạt động.

Chính thức ra mắt năm 2019 sau chặng đường đàm phán cam go suốt 17 năm, AfCFTA được đánh giá có tiềm năng lớn, mang đến nhiều cơ hội cho khu vực cũng như giới đầu tư quốc tế. Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi ước tính, AfCFTA sẽ mở rộng cánh cửa giao thương cho thị trường châu Phi có giá trị 2.500 tỷ USD, thúc đẩy thương mại nội khối tăng 52% vào năm 2022, đồng thời cải thiện đáng kể đời sống của khoảng 1,3 tỷ dân tại lục địa vốn bị gắn với đói nghèo và xung đột. Theo AU, AfCFTA giúp châu Phi bảo đảm tăng trưởng, tạo thêm việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trở ngại với châu Phi cũng không nhỏ. Hiện châu lục này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và nông sản; công nghiệp phát triển chậm lại, thậm chí gần như ngưng trệ ở một số nơi. Chỉ chiếm chưa đầy 3% thị phần thương mại toàn cầu, châu Phi càng gặp khó khăn trong mục tiêu đa dạng hóa xuất khẩu. Thương mại nội khối châu Phi chỉ chiếm 16% trong tổng giá trị giao dịch của toàn châu lục. Đây là tỷ trọng thấp hơn nhiều so các mức 51% ở châu Á, 54% ở khu vực Bắc Mỹ, hay 70% ở châu Âu. 

Vì vậy, AfCFTA được đánh giá sẽ giúp “lục địa đen” thay đổi sân chơi thương mại của chính mình. Theo đó, thay vì chỉ tập trung hướng tới các đối tác xa xôi ở tận châu Âu, hay Mỹ, nay với AfCFTA, các nước châu Phi có cơ hội lớn để tăng cường giao thương với nhau, bổ sung cho nền kinh tế của nhau để cùng phát triển. AU ước tính, khi AfCFTA được kích hoạt đầy đủ, chỉ riêng việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có thể làm tăng tỷ trọng thương mại nội bộ châu Phi lên mức 60% sau ba năm nữa. Con số này thật sự ấn tượng, so mức 16% hiện tại. Nếu dỡ bỏ thành công các hàng rào phi thuế quan, châu Phi còn có thể thu về 20 tỷ USD mỗi năm từ trao đổi thương mại nội khối gia tăng. Con số này cũng lớn hơn nhiều so mức 3,6 tỷ USD mà các nước châu Phi ước tính phải chi trả để thực hiện loại bỏ các rào cản này.

Còn ý kiến cho rằng, châu Phi chưa được chuẩn bị kỹ càng cho mức độ cạnh tranh cao theo FTA thế hệ mới. Ngoài những điểm bất lợi cố hữu như bất ổn chính trị và xung đột triền miên, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu hụt khung pháp lý và chính sách ưu đãi chung, thì thực tế hệ thống hàng rào thuế quan và phi thuế quan được áp đặt chồng chéo là yếu tố chính cản trở thương mại của châu lục. AfCFTA được kỳ vọng thúc đẩy khơi thông dòng chảy thương mại, trước mắt phục vụ mục tiêu khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn mới thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.