Ði ngược lại cam kết

Tuần vừa qua trở thành tuần “đẫm máu nhất” trong cuộc xung đột kéo dài 19 năm tại Áp-ga-ni-xtan, theo đó phiến quân Ta-li-ban đã thực hiện 422 vụ tiến công tại 32 tỉnh, làm 291 nhân viên an ninh chết và 550 người bị thương. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni lên án Ta-li-ban gây ra làn sóng bạo lực, đồng thời nhấn mạnh, chính phủ coi tình trạng bạo lực này “đi ngược lại tinh thần cam kết vì hòa bình”.

Trong hành động bạo lực mới nhất xảy ra ngày 23-6, 15 nhân viên lực lượng an ninh quốc gia Áp-ga-ni-xtan đã chết và bảy người bị thương trong các cuộc tiến công do phiến quân Ta-li-ban tiến hành tại hai tỉnh Cun-đu và Ban-khơ. Trước đó, tối 22-6, các tay súng Ta-li-ban mở cuộc tiến công nhằm vào một chốt kiểm tra an ninh ở quận Ác-si, thuộc tỉnh Cun-đu, làm chín binh sĩ thuộc Lực lượng dân quân Áp-ga-ni-xtan và sáu binh sĩ Áp-ga-ni-xtan bị thương. Trong một vụ tiến công tương tự ở huyện Ban-khơ ở tỉnh này, sáu cảnh sát đã chết và một người bị thương.

Nhân dịp lễ Eid al-Fitr (kết thúc tháng lễ Ra-ma-đan), Ta-li-ban đã tuyên bố ngừng bắn kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 23-5 vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn ngắn ngủi chấm dứt, các tay súng Ta-li-ban ngày 29-5 lại tiến công một trạm biên phòng của Áp-ga-ni-xtan làm ít nhất 14 nhân viên an ninh chết.

Những động thái nêu trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Ca-bun và Ta-li-ban phát tín hiệu đang tiến gần hơn đến việc khởi động các cuộc đàm phán hòa bình bị trì hoãn lâu nay. Tổng thống Ga-ni đã tuyên bố sẽ hoàn tất việc phóng thích tù nhân Ta-li-ban, một điều kiện then chốt của phía phiến quân để khởi động tiến trình hòa đàm nhằm chấm dứt gần 20 năm chiến tranh.

Ngoài ra, các vụ tiến công cũng làm dấy lên sự lo ngại về khả năng “chết yểu” của thỏa thuận hòa bình đã ký giữa Mỹ và Ta-li-ban tại Ca-ta hồi tháng 2 vừa qua. Thỏa thuận này được coi là cam kết mở đường cho việc Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Ta-li-ban. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào tháng 5-2021 nếu Ta-li-ban đáp ứng các điều khoản, trong đó có việc cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ (CENTCOM), Tướng K.Mắc-ken-di ngày 18-6 vừa qua cho biết, Mỹ đã giảm số binh sĩ tại Áp-ga-ni-xtan xuống còn 8.600 người, hoàn thành đợt rút quân đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận với phiến quân Ta-li-ban. Ông Mắc-ken-di nêu rõ: “Mỹ đã thực hiện phần việc của mình trong thỏa thuận”. Cũng theo người đứng đầu CENTCOM, việc rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2021 theo thỏa thuận là một cam kết “đầy tham vọng” nhưng có điều kiện đi kèm.

Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận giữa Mỹ và Ta-li-ban hiện rất mong manh. Một mặt, bản thỏa thuận này bị đe dọa trở thành “mớ giấy lộn” khi thay vì thực hiện cam kết “bảo đảm an ninh” và “hướng tới hòa bình”, Ta-li-ban lại mở hàng trăm cuộc tiến công trên khắp cả nước Áp-ga-ni-xtan. Mặt khác, một điều khoản của thỏa thuận quy định việc Ta-li-ban cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố cũng có nguy cơ bị phá bỏ. Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố mới đây cho biết, Ta-li-ban đã khẳng định sẽ duy trì mối liên hệ chặt chẽ với mạng lưới thánh chiến An Kê-đa, bất chấp thỏa thuận hòa bình với Mỹ.

Có thể thấy, bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan vẫn gia tăng bất chấp việc Mỹ và Ta-li-ban đã ký thỏa thuận nhằm hướng đến một nền hòa bình tại nước này. Báo cáo mới đây của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA) cho biết, các cuộc xung đột diễn ra trong ba tháng đầu năm nay tại Áp-ga-ni-xtan đã làm gần 1.300 dân thường chết và bị thương, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường chết tăng 20% so với ba tháng đầu năm 2019.

Thiết lập một nền hòa bình bền vững ở Áp-ga-ni-xtan hiện là khát khao cháy bỏng của người dân nước này. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy quá trình hướng đến sự khởi đầu cho các cuộc đàm phán trong nội bộ Áp-ga-ni-xtan, trong đó các bên sẽ tìm giải pháp để lập lại hòa bình, ngay lập tức cần chấm dứt các vụ bạo lực đẫm máu ở quốc gia Nam Á này.