Hy vọng xuyên đại dương

Liên hiệp châu Âu (EU) vừa tuyên bố sẽ thúc đẩy cơ hội đối thoại với chính quyền mới ở Mỹ để tìm kiếm "thỏa thuận đình chiến thương mại" giữa hai bờ Ðại Tây Dương. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ G.Bai-đơn từng chỉ trích chính sách bảo hộ thương mại và cam kết sẽ làm mới mối quan hệ đối tác Mỹ - EU. Những thông điệp tích cực như vậy đang nhen nhóm hy vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại xuyên đại dương.

Trong tuyên bố hôm 12-1, Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ "lấy làm tiếc" về việc Mỹ chọn đưa thêm các mặt hàng của EU vào danh sách áp mức thuế mới. EU mong muốn được thảo luận trên tinh thần xây dựng với chính quyền mới của Mỹ để giải quyết những tranh cãi kéo dài giữa hai bên trong lĩnh vực thương mại. Và đây sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự xuyên Ðại Tây Dương trong giai đoạn mới.

Tuyên bố được EC đưa ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm thông báo áp các mức thuế bổ sung đối với một loạt mặt hàng của các nước EU xuất khẩu vào Mỹ. Theo Văn phòng Ðại diện thương mại Mỹ (USTR), thuế suất 15% được áp bổ sung đối với các linh kiện, phụ tùng máy bay và mức 25% đối với một số loại rượu. Khoảng 150 mặt hàng của châu Âu chịu ảnh hưởng trực tiếp trong đợt áp thuế mới của Nhà trắng, chủ yếu là sản phẩm liên quan ngành chế tạo máy bay và đồ uống có cồn của các nước thành viên EU tham gia sản xuất máy bay Airbus, như Pháp, Ðức và Tây Ban Nha.

Nhìn vào danh sách sản phẩm chịu thuế bổ sung, có thể thấy đây là bước đi mới nhất của Oa-sinh-tơn trong cuộc tranh cãi giữa Mỹ và EU liên quan vấn đề trợ cấp trái phép cho các hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Tranh cãi kéo dài suốt 16 năm qua và trở nên khốc liệt dưới thời chính quyền Tổng thống Ð.Trăm với các vụ kiện dai dẳng tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2004.

Cuộc chiến áp thuế giữa Mỹ và EU trở nên căng thẳng hơn từ tháng 10-2019, khi WTO ra phán quyết cho phép Mỹ mỗi năm áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ EU trị giá 7,5 tỷ USD. Ðây là mức thiệt hại WTO ước tính Mỹ phải gánh chịu do chính sách trợ giá của EU cho Airbus. Ðược bật đèn xanh, Oa-sinh-tơn sau đó áp mức thuế suất cao đối với một loạt sản phẩm của EU, trong đó có phụ tùng máy bay và rượu.

Ðúng một năm sau, tháng 10-2020, WTO tiếp tục ra phán quyết, nhưng lần này gây bất lợi cho Mỹ. Theo đó, EU được phép áp thuế đối với lượng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có tổng giá trị bốn tỷ USD mỗi năm, tương đương mức thiệt hại của EU do việc Mỹ trợ cấp Boeing. Trước đó, Mỹ và EU từng cận kề nguy cơ "chiến tranh thương mại" hồi năm 2018, khi Mỹ áp thuế với nhôm và thép của EU; đáp lại, EU lập danh sách dài các mặt hàng của Mỹ phải chịu thuế cao khi vào thị trường của khối.

Những năm gần đây, quan hệ đồng minh, đối tác giữa Mỹ và EU liên tiếp gặp sóng gió, do bất đồng trong nhiều vấn đề, từ chính sách an ninh, khí hậu đến công nghệ và nhất là thương mại. Tranh chấp kéo dài và những màn áp thuế - đáp trả đe dọa phá hủy quan hệ thương mại giữa hai bờ Ðại Tây Dương, với giá trị trao đổi hai chiều ước tính 1.300 tỷ USD. Xung đột thương mại leo thang còn làm giảm sút lòng tin và hoạt động của giới đầu tư, doanh nghiệp, gây rủi ro cho thị trường tài chính, và kinh tế hai bên và cả thế giới.

Ðánh giá được thiệt hại trong "cuộc chiến thuế" vốn không có bên thắng, cả EU và Mỹ đều mong muốn đàm phán. Hồi tháng 7-2018, hai bên đồng ý "đình chiến" và khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương mới. Tuy nhiên, những đợt áp thuế lẫn nhau sau đó tiếp tục đẩy hai bên trở lại vòng xoáy bất đồng. Cả EU và Mỹ đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại, song chưa có động thái nhượng bộ nào đáng kể, để có thể khởi động cuộc đàm phán được dự báo rất khó khăn giữa hai bên.

Nước Mỹ sắp có chính quyền mới, Tổng thống đắc cử G.Bai-đơn từng phát đi thông điệp thay đổi, trong đó các chính sách theo hướng bảo hộ, xa rời chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu có thể được đảo chiều. Cùng với tuyên bố của EU mong muốn tìm kiếm "thỏa thuận đình chiến" mới về thương mại với Mỹ, hy vọng được nhen lên về một chương trình nghị sự tích cực xuyên Ðại Tây Dương.

Ninh Sơn