Hệ lụy dai dẳng

Mặc dù nước Anh đã chính thức “chia tay” với Liên hiệp châu Âu (EU) và hai bên đã đạt thỏa thuận thương mại để đưa quan hệ song phương sang trang mới, nhưng hệ lụy của Brexit vẫn dai dẳng với một số ngành kinh tế như bán lẻ, tài chính nói riêng và nền kinh tế Anh nói chung.

Sau khi Anh đạt thỏa thuận hậu Brexit và chính thức rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn đã gọi năm 2021 là năm cực kỳ quan trọng đối với “nước Anh toàn cầu”. Chính phủ Anh đang nỗ lực nâng cao vị thế của nước Anh thông qua việc ký hàng chục hiệp định tự do thương mại với các đối tác, xây dựng và triển khai một chương trình nghị sự mới, trong đó chú trọng làm tốt vai trò nước chủ nhà của cả Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 và Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26. Giới phân tích cho rằng, Vương quốc Anh đang có “cơ hội vàng” để nâng cao vai trò, vị thế toàn cầu của mình thông qua tổ chức hai sự kiện chính trị quốc tế quan trọng nói trên.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế của Anh lại không được “xuôi chèo mát mái” như lĩnh vực đối ngoại. Hai lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn vì Brexit hiện nay là bán lẻ và tài chính. Về bán lẻ, các doanh nghiệp Anh đang phải xem xét lại các chuỗi cung ứng đến CH Ai-len và các thị trường châu Âu khác nhằm tìm cách tránh thuế quan được quy định bởi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU. Theo thỏa thuận nói trên, hàng hóa của Anh vẫn được miễn thuế quan và hạn ngạch khi vào thị trường EU, nhưng phải tuân thủ các quy định chi tiết về nguồn gốc xuất xứ để tránh tạo kẽ hở cho hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc hàng được sản xuất với phần lớn nguyên liệu từ bên ngoài Anh và EU. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp Anh có nguy cơ vẫn phải đóng thuế khi xuất khẩu vào EU. Hơn 100 giám đốc điều hành của các doanh nghiệp bán lẻ Anh đã tổ chức một cuộc đối thoại trực tuyến với các quan chức chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc đối thoại, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Anh cho biết có ít nhất 50 doanh nghiệp đang phải đối mặt các mức thuế tiềm tàng đối với hàng hóa tái xuất. Theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh - EU, để đủ điều kiện được hưởng thuế suất 0%, hàng hóa của hai bên phải có tối thiểu 50% nguồn gốc xuất xứ từ hai thị trường này. Việc truy xuất, xác định nguồn góc, xuất xứ hàng hóa để được miễn thuế đang làm khó doanh nghiệp Anh. Theo Giám đốc điều hành của New Look, doanh nghiệp có 27 cửa hàng ở CH Ai-len nhập hàng từ Anh, công ty đang trong quá trình tìm hiểu các quy định nên sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng cũng như việc giao hàng tới thị trường EU.

Lĩnh vực tài chính của Anh tiếp tục lĩnh hậu quả từ Brexit, bất chấp việc Anh và EU đã đạt được thỏa thuận thương mại. Giới phân tích cho biết, tương lai lĩnh vực dịch vụ tài chính chủ chốt của Anh vẫn chưa chắc chắn do thỏa thuận hậu Brexit dài 1.200 trang giữa Anh và EU lại đề cập rất ít tới lĩnh vực dịch vụ tài chính, vốn mỗi năm đóng góp khoảng 150 tỷ bảng hoặc 7% sản lượng kinh tế hằng năm của Vương quốc Anh. Hiện Anh và EU dự định ký biên bản ghi nhớ về dịch vụ tài chính trong tháng 3 tới, qua đó thiết lập một lộ trình hợp tác mới. Bởi vậy, đối với lĩnh vực tài chính trong quan hệ kinh tế Anh - EU, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, thỏa thuận thương mại hai bên vừa ký cuối tháng 12-2020 mới chỉ là “điểm khởi đầu”, Anh và EU “còn nhiều tháng nữa mới đến đích”. Theo thỏa thuận thương mại hậu Brexit, từ ngày 1-1-2021, lĩnh vực tài chính của Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường đơn lẻ và “hộ chiếu” vào châu Âu, một công cụ cho phép các sản phẩm và dịch vụ tài chính của Anh được bán ở EU. Khả năng để lĩnh vực tài chính của Anh duy trì kinh doanh trong khối EU hiện phụ thuộc vào việc đạt được quy chế tương đương trong 59 lĩnh vực cụ thể. Câu trả lời cho các vấn đề liên quan đến dịch vụ tài chính của Anh tại EU sẽ chỉ có sau khi hai bên ký biên bản ghi nhớ về dịch vụ tài chính trong tháng 3 tới.

Ngoài các vấn đề nêu trên, người dân Anh cư trú tại nước ngoài còn gặp không ít rắc rối liên quan đến Brexit khi giấy tờ tùy thân không còn hợp lệ. Báo chí Anh cho biết, tuần trước, một số người Anh cư trú tại Tây Ban Nha đã bị cấm lên các chuyến bay đi Bác-xê-lô-na và Ma-đrít với lý do giấy tờ tùy thân của họ không còn giá trị sau khi Anh chính thức rời EU. Lý do mà hãng hàng không đưa ra là thẻ cư trú xanh của họ đã hết hạn.

Thực tế nêu trên cho thấy, dù nước Anh đã chính thức rời EU theo kịch bản có thỏa thuận như mong đợi, nhưng các hệ lụy của Brexit với người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Anh sẽ vẫn luôn tiềm ẩn và dai dẳng. Bởi vậy, bên cạnh việc triển khai chiến lược tái khởi động “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit, chính phủ của Thủ tướng B.Giôn-xơn còn phải tập trung giải quyết một loạt những khó khăn cho “xứ sở sương mù”.