Hành động khẩn cấp

Hai báo cáo khảo sát quốc tế vừa được công bố đã chỉ ra tác động tồi tệ của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động và tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu. Được đưa ra trước thềm hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đây là thông điệp kêu gọi hành động khẩn cấp gửi đến các nhà lãnh đạo và giới chủ doanh nghiệp trên toàn thế giới.
 

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), còn gọi là Hội nghị Đa-vốt năm 2021 vừa khai mạc theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin”. Với sự tham gia của hàng chục nhà lãnh đạo các nước cùng hàng nghìn người đứng đầu các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, tuần lễ Chương trình nghị sự Đa-vốt (từ ngày 25 đến 29-1) đặt trọng tâm thảo luận về cách thức giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Cùng các chủ đề về thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp có trách nhiệm, tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển về trung hòa khí thải các-bon, định hình các xu hướng công nghệ mới và hiệu quả, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Đa-vốt đặc biệt hướng đến hệ thống kinh tế và xã hội bền vững và công bằng, tạo việc làm và xây dựng xã hội hòa nhập, cũng như thúc đẩy hệ thống đa phương mới, cân bằng và phù hợp bối cảnh thế kỷ 21.
 
 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ, xóa mờ những thành tựu về xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu, thúc đẩy kinh tế và xã hội công bằng là chủ đề được quan tâm và ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Đa-vốt. Trong báo cáo công bố ngay trước Hội nghị, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nêu rõ, đại dịch đã đẩy thị trường việc làm toàn cầu vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái những năm 1930. Theo khảo sát của ILO, tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong cả năm 2020 giảm 8,8% so với chỉ riêng quý IV-2019. Đồng nghĩa, thế giới mất 255 triệu việc làm toàn thời gian, gấp bốn lần con số trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009. Qua đó, thu nhập giảm 8,3%, tương đương 3.700 tỷ USD, bằng khoảng 4,4% GDP toàn cầu; tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,1%, đưa tổng số lao động mất việc làm lên 220 triệu người.
 
 ILO cũng chỉ ra tác động không đồng đều của đại dịch đối với các nhóm lao động và lĩnh vực, trong đó đặc biệt nghiêm trọng với phụ nữ và lao động trẻ, với các dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống. Với tỷ lệ 8,7% mất việc làm, nhóm lao động ở độ tuổi từ 15 đến 24 chịu tác động mạnh nhất, có nguy cơ trở thành “thế hệ mất định hướng” do tác động của Covid-19. ILO cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy với người lao động, như mất kỹ năng, giảm sút tài năng và năng lượng, gây tổn thất cho gia đình và xã hội...
 
 Trong khi đó, tổ chức Oxfam, liên minh quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xóa đói nghèo và bất công trên thế giới, cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng kinh tế nghiêm trọng hơn do đại dịch. Trong báo cáo mang tên “Vi-rút bất bình đẳng”, Oxfam nêu rõ, “bão kinh tế” do đại dịch Covid-19 tác động mạnh nhất đến người nghèo và dễ bị tổn thương, trong đó phụ nữ và người lao động yếu thế đối mặt nguy cơ tồi tệ nhất đó là mất việc làm. Ước tính, 100 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực và phải mất hơn mười năm nữa thế giới mới có thể giảm số người nghèo trở về con số trước đại dịch. Theo tính toán của Oxfam, nhóm một nghìn người giàu nhất thế giới có thể bù đắp thiệt hại do Covid-19 chỉ trong vòng chín tháng. Song, để làm được điều này, những người nghèo nhất thế giới phải mất tới 10 năm.
 
 ĐẠI dịch phơi bày thực trạng bất bình đẳng kinh tế, nhưng qua đó cũng tạo cơ hội và nền tảng thúc đẩy chuyển đổi chính sách. ILO kêu gọi các chính phủ có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm lao động và lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch. Các nước giàu cần hỗ trợ các nước nghèo, có ít nguồn lực để thúc đẩy phục hồi thị trường việc làm. Oxfam cũng khẳng định, kinh tế công bằng hơn là chìa khóa để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Cuộc chiến chống bất bình đẳng phải được đặt vào trọng tâm các hành động khẩn cấp nhằm “giải cứu” và phục hồi kinh tế trên toàn cầu.