Gian nan kế hoạch giải cứu

Thúc đẩy sáng kiến “giải cứu Li-băng”, Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông đang xúc tiến tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ cho quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, bế tắc chính trị kéo theo khủng hoảng kinh tế đẩy Li-băng chìm trong khó khăn chồng chất, nhất là sau thảm họa kinh hoàng nổ kho hóa chất ở thủ đô Bây-rút.

Li-Băng đã chứng kiến một loạt quyết định từ chức của những người đứng đầu chính phủ, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và bế tắc chính trị kéo dài. Sau khi xảy ra vụ nổ tại cảng Bây-rút hồi đầu tháng 8 làm hơn 190 người chết, 6.500 người bị thương, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, chính phủ Li-băng đã từ chức. Lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm qua, Tổng thống Li-băng M.A-un phải bổ nhiệm thủ tướng mới. Người được chỉ định làm Thủ tướng mới là M.A-đíp cũng đã phải từ bỏ nhiệm vụ do không thể đạt đồng thuận về thành phần chính phủ mới, trong đó đáng chú ý là việc bổ nhiệm vị trí bộ trưởng tài chính, người chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo kế hoạch giải cứu kinh tế Li-băng.

Từ khi kết thúc cuộc nội chiến (1975 - 1990), Li-băng áp dụng hệ thống phân chia quyền lực giữa các sắc tộc khác nhau. Tổng thống là tín đồ Công giáo Ma-rô-nít, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Xun-nít, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Si-ít. Các ghế Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Quốc hội dành cho tín đồ Chính thống giáo. Trong cơ quan lập pháp Li-băng có các đại diện 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, chính trường Li-băng nhiều năm qua không có giai đoạn "sóng yên biển lặng" do chia rẽ phe phái sâu sắc.

Trong sáng kiến mới đây, Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông, người có tham vọng thúc đẩy cải cách để giúp Li-băng nhận được các khoản viện trợ quốc tế, đã kêu gọi thành lập một chính phủ có đại diện các sắc tộc. Tuy nhiên, Thủ tướng được chỉ định M.A-đíp phải tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong việc thành lập một chính phủ không phe cánh. Nỗ lực của ông M.A-đíp vấp phải trở ngại từ A-man và Héc-bô-la, hai nhóm Hồi giáo dòng Si-ít chính trong mô hình chia sẻ quyền lực ở Li-băng. Thất bại trong việc thành lập chính phủ đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch giải quyết khủng hoảng do Pháp đưa ra.

Bởi, theo lộ trình của Pháp, chính phủ mới ở Li-băng sẽ thực hiện các bước để giải quyết nạn tham nhũng và tiến hành những cải cách cần thiết nhằm kích hoạt gói viện trợ quốc tế hàng tỷ USD giúp khôi phục nền kinh tế vốn đang oằn lưng trước gánh nợ khổng lồ.

Trước những diễn biến không thuận lợi trên chính trường Li-băng, Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông tuyên bố ông sẽ không từ bỏ sáng kiến về việc cứu Li-băng khỏi sự sụp đổ, đồng thời tiếp tục gây sức ép lên quốc gia Trung Ðông này nhằm thay đổi tình hình. Ông yêu cầu phong trào Hồi giáo Héc-bô-la tại Li-băng trong vòng vài tuần tới cần làm rõ liệu phong trào này có phải là một thế lực chính trị nghiêm túc nhằm giúp thực thi lộ trình vạch ra cho quốc gia Trung Ðông này hay chỉ là một lực lượng nhận chỉ thị từ I-ran, quốc gia bị phương Tây cáo buộc hậu thuẫn Héc-bô-la. Tổng thống M.A-un cảnh báo, Li-băng sẽ lâm nguy nếu chính phủ mới không được thành lập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đang làm tê liệt các ngân hàng, dẫn đến đồng bảng của Li-băng "rơi tự do" và người dân lâm vào cảnh nghèo đói. Văn phòng Tổng thống Li-băng vừa tuyên bố, ông M.A-un sẽ có cuộc tham vấn nghị viện vào ngày 15-10 tới để chỉ định một thủ tướng mới.

Li-băng đang nỗ lực khắc phục hậu quả vụ nổ kinh hoàng ở cảng Bây-rút và cần sự hỗ trợ lớn hơn từ cộng đồng quốc tế để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Thiệt hại từ các vụ nổ lên tới 4,5 tỷ USD và chi phí tái thiết ước tính khoảng hai tỷ USD. Tuy nhiên, để có được các gói cứu trợ quốc tế, Li-băng chịu sức ép mạnh mẽ của các nước phương Tây, trong đó có yêu cầu giới chức Li-băng phải sẵn sàng thực thi các cải cách sâu rộng.

Bế tắc chính trị tại Li-băng chỉ có thể được khai thông khi các phe nhóm gạt bỏ bất đồng để đi tới thành lập một chính phủ đoàn kết. Ðó cũng là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua ở Li-băng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét hối thúc Li-băng nhanh chóng thành lập một chính phủ và tiến hành cải cách, đáp ứng nguyện vọng của người dân và tránh để đất nước rơi vào hỗn loạn.