Giải quyết thách thức, kích hoạt tiềm năng

Bên cạnh những diễn biến “nóng” liên quan chính trị và an ninh, khu vực Trung Đông hiện đang gặp phải nhiều khó khăn kinh tế. Tìm kiếm giải pháp đối phó thách thức, kích hoạt tiềm năng nền kinh tế là chủ đề chính tại hội thảo, vừa diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar.

Đa dạng hóa nền kinh tế, tạo việc làm, giảm bớt các nguy cơ gây bất ổn là những ưu tiên nhằm ngăn chặn tái diễn kịch bản tồi tệ của “Mùa xuân A-rập” đã càn quét qua khu vực này thời gian qua khiến bất ổn chính trị gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Hội thảo lần thứ 14 về tương lai nền kinh tế khu vực Trung Đông tại Doha thu hút sự tham gia của 270 đại biểu là các quan chức, đại diện doanh nghiệp, học giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu, từ hơn 70 quốc gia khu vực và thế giới. Diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đối mặt nhiều khó khăn, thế giới chứng kiến xu thế gia tăng các chính sách bảo hộ, tranh chấp thương mại, hội thảo lần này là cơ hội để các nước trong khu vực tìm hướng đi nhằm tránh tác động tiêu cực của những yếu tố địa chính trị. Với nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt, cùng với khả năng tài chính tốt, song các nền kinh tế khu vực Trung Đông vẫn đối mặt những khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng.

Hầu hết các nền kinh tế chịu tác động không nhỏ từ tình trạng xung đột gia tăng, kéo theo cơ sở hạ tầng xuống cấp, dịch vụ công yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Những nền kinh tế mạnh của khu vực lại rơi vào cuộc tranh chấp kéo dài, như giữa Qatar với A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ba-ren và Ai Cập. Nhiều quốc gia rơi vào xung đột, khủng hoảng chính trị khiến kinh tế suy thoái nghiêm trọng, như Lebanon, Yemen, Iraq, Syria…

Một trong những nguyên nhân chính “châm ngòi” cho làn sóng biểu tình “Mùa xuân A-rập” ở Trung Đông và Bắc Phi hồi năm 2011 là tình trạng kinh tế yếu kém, dẫn tới bất ổn xã hội. Gần 10 năm qua đi sau “cơn bão” Mùa xuân A-rập tàn phá khu vực này, song nhiều quốc gia vẫn chìm trong bất ổn và khủng hoảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, tình trạng thất nghiệp và kinh tế phát triển chậm đang làm gia tăng căng thẳng xã hội và làn sóng biểu tình tại một số nước A-rập trong khu vực.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực, IMF cho biết, bất ổn góp phần tạo ra mức tăng trưởng thấp của kinh tế Trung Đông và Bắc Phi, bên cạnh những căng thẳng thương mại toàn cầu, giá dầu biến động. Đầu tháng 10 vừa qua, IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông, gồm cả Iran và các nước A-rập. Kinh tế Iran rơi vào suy thoái và đối mặt lạm phát tăng cao trong khi tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dự báo, nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này giảm 9,5% trong năm 2019 sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,8% năm 2018. Tehran dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng 500 nghìn thùng dầu thô/ngày do các lệnh trừng phạt, giảm mạnh so mức hơn hai triệu thùng/ngày thời điểm trước khi bị trừng phạt. Kinh tế của các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến cũng chỉ tăng 0,7% trong năm nay, so mức 2% năm ngoái, do giá và sản lượng dầu đều sụt giảm.

Nợ công tại nhiều nước A-rập hiện đang ở mức rất cao, trung bình vượt 85% GDP, thậm chí tới hơn 150% như tại Lebanon. Theo Giám đốc IMF phụ trách Trung Đông và Trung Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực hiện ở dưới mức cần thiết để giải quyết nạn thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của khu vực vượt 25% đến 30%, do đó đòi hỏi mức tăng trưởng kinh tế ít nhất 1% đến 2% để bù đắp. Số người thất nghiệp tăng cao khiến căng thẳng xã hội trở nên trầm trọng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực là 11% so với 7% của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi...

Với bức tranh kinh tế ảm đạm của khu vực, cùng viễn cảnh bấp bênh của kinh tế thế giới, nhiều quốc gia Trung Đông đã điều chỉnh chính sách nhằm giảm bớt rủi ro kinh tế có thể xảy ra. “Vua dầu mỏ” A-rập Xê-út, quốc gia đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do các vụ tiến công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu lớn nhất, đã vạch kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2030, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tránh phụ thuộc “nguồn vàng đen”. A-rập Xê-út đặt mục tiêu tăng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân từ 40% đến 65% GDP vào năm 2030. Hiện rơi vào khủng hoảng quan hệ ngoại giao với bốn nước A-rập ở khu vực, Qatar phải tìm hướng đi nhằm tránh bị cô lập. Các nước Lebanon, Iraq, Jordan... cũng phải tiến hành cải cách sâu rộng nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình.

Với nhiều chính sách cải cách táo bạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, song hầu hết các quốc gia Trung Đông vẫn đứng trước nhiều rủi ro, khi bị các vấn đề địa chính trị phức tạp chi phối. Giờ đây, khu vực Trung Đông chỉ có thể tập trung phát triển kinh tế, một khi giải quyết dứt điểm được các cuộc xung đột kéo dài liên miên, cũng như giảm bớt những nguy cơ gây bất ổn cho cả khu vực.