Giải pháp toàn diện

Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ cho Y-ê-men do A-rập Xê-út phối hợp Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức đã nhận được cam kết tài trợ 1,35 tỷ USD. Mặc dù số tiền huy động được không như kỳ vọng, song trong bối cảnh thế giới đối mặt khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19, đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn thảm kịch nhân đạo xảy ra ở quốc gia Trung Ðông.

Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét lên tiếng cảnh báo rằng, các nhân viên cứu trợ nhân đạo phải chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn thảm họa xảy ra tại Y-ê-men, quốc gia bị cuốn vào vòng xoáy xung đột trong nhiều năm qua và đang đối mặt nguy cơ bùng phát dịch Covid-19. Sẽ là một thảm họa tồi tệ nhất nếu dịch bệnh lây lan ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Trong sáu năm qua, xung đột ở Y-ê-men đã khiến hàng chục nghìn người chết, chủ yếu là dân thường và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Hiện khoảng 80% dân số nước này, tương đương 24 triệu người, đang cần được cứu trợ. Cộng đồng quốc tế đặt ưu tiên hàng đầu là cứu trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm tránh “kịch bản xấu” xảy ra nếu tình hình không được kiểm soát.

Chương trình cứu trợ của LHQ dành cho Y-ê-men đang gặp thách thức lớn khi ngân sách của các chương trình này bị cắt giảm và tình hình ở mức báo động. LHQ mới chỉ nhận được 516,6 triệu USD trong tổng số 3,4 tỷ USD cần huy động cho đến cuối năm nay. Ngay trước thềm hội nghị, các tổ chức cứu trợ nhân đạo của LHQ cho biết buộc phải dừng một số hoạt động cứu trợ do khó khăn về nguồn tài trợ, ngay cả khi dịch Covid-19 đang đe dọa Y-ê-men. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã phải cắt giảm 50% khẩu phần và các dịch vụ y tế do LHQ tài trợ tại 189 trong số 369 bệnh viện trên toàn nước này. Khoảng 75% các chương trình của LHQ ở Y-ê-men đã phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động. LHQ hy vọng, hội nghị lần này sẽ thu hút được khoảng 2,4 tỷ USD viện trợ, nhằm giúp Y-ê-men giải quyết những nhu cầu khẩn cấp trong lĩnh vực nhân đạo như y tế và thực phẩm. Tuy nhiên, số tiền cam kết viện trợ mới chỉ đạt được hơn 50% mục tiêu đề ra.

Các khoản tài trợ cho Y-ê-men bị thu hẹp do một số yếu tố, trong đó lý do hàng đầu là sự cản trở của phiến quân Hu-thi, lực lượng hiện đang kiểm soát thủ đô Xa-na và các vùng lãnh thổ khác. Hu-thi đã tiến hành nhiều cuộc không kích chống lại lợi ích của A-rập Xê-út, quốc gia đang đứng đầu liên quân chống Hu-thi tại Y-ê-men. Mỹ, một trong những nhà tài trợ lớn nhất, đã giảm viện trợ cho Y-ê-men vào đầu năm nay, với lý do sự can thiệp của lực lượng Hu-thi đối với hoạt động cứu trợ của LHQ. Trong số các nước tham dự tại hội nghị lần này, Ðức quyết định dành 139,8 triệu USD, Anh nhất trí sẽ chi 201 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo ở Y-ê-men. Riêng Mỹ chưa thông báo con số tài trợ tại hội nghị, song sẽ đưa ra cam kết trong thời gian tới. Oa-sinh-tơn cũng nhắc lại đã từng tài trợ 2,8 tỷ USD cho Y-ê-men kể từ tháng 10-2014 và riêng 400 triệu USD trong tài khóa này. A-rập Xê-út cam kết dành 500 triệu USD hỗ trợ Y-ê-men, trong đó 300 triệu USD sẽ được chuyển cho các cơ quan LHQ và 200 triệu USD dành cho các dự án liên quan Y-ê-men. Tuy nhiên, những con số đưa ra chỉ như “muối bỏ bể” trước những nhu cầu cứu trợ thực tế tại quốc gia Trung Ðông.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, ông M.Lâu-cốc lên tiếng cảnh báo rằng, thế giới có thể chứng kiến Y-ê-men “rơi xuống vực thẳm”, khi hàng chục triệu người dân nước này đang gặp khó khăn. LHQ kêu gọi những cam kết tài trợ cho Y-ê-men không chỉ là lời nói mà cần các khoản “tiền tươi thóc thật”, bởi hệ thống y tế của Y-ê-men cần được nâng cấp và cần lương thực để cứu người dân đang cận kề nạn đói. Tuy nhiên, để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài, cần một giải pháp toàn diện thông qua đàm phán chính trị đi đến thỏa thuận chấm dứt chiến tranh tại Y-ê-men.