Giải pháp bền vững và lâu dài

Liên hiệp châu Âu (EU) lên kế hoạch tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ cho Xy-ri tại Brúc-xen (Bỉ), nhằm quyên góp hàng tỷ USD mỗi năm để giảm bớt hậu quả mà cuộc nội chiến ở Xy-ri gây ra trong chín năm qua, trong bối cảnh Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo quốc gia Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. Nguy cơ tiềm ẩn từ dịch Covid-19, lệnh trừng phạt của Mỹ cùng xung đột kéo dài đe dọa tái bùng phát làn sóng di cư lớn từ Xy-ri, đe dọa an ninh châu Âu.

Hội nghị tài trợ cho Xy-ri diễn ra trong bối cảnh quốc gia Trung Đông chìm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đồng nội tệ vượt tầm kiểm soát. Tình hình bất ổn kinh tế tại Xy-ri trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tài chính ở nước láng giềng Li-băng, vốn là cầu nối chính của Xy-ri với thế giới bên ngoài. Giá lương thực tại Xy-ri tăng hơn 200% trong chưa đầy một năm do nền kinh tế của nước láng giềng Li-băng rơi tự do và các biện pháp phong tỏa mà Chính phủ áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, khiến số người thường xuyên bị đói tại Xy-ri tăng khoảng 1,4 triệu người trong sáu tháng qua. Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cơ quan viện trợ của LHQ cho biết, Xy-ri đang đối mặt cuộc khủng hoảng nghèo đói chưa từng có với hơn 9,3 triệu dân không có đủ tiền mua lương thực. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau chín năm xung đột, hơn 90% dân số Xy-ri sống dưới ngưỡng nghèo đói với thu nhập 2 USD/ngày. Chưa tới một nửa số bệnh viện công ở nước này còn hoạt động trong khi một nửa số nhân viên y tế đã đi lánh nạn ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu, trong khi những người còn lại đối mặt nguy cơ bị bắt cóc hoặc sát hại. 

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ Đ.Bi-xli cảnh báo, sự tuyệt vọng ngày càng tăng ở Xy-ri có thể kích hoạt một cuộc di cư lớn khác như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, trừ khi các quốc gia tài trợ đóng góp thêm tiền để giảm bớt nạn đói. Ở thời điểm đó, khoảng một triệu người tị nạn Xy-ri đã đến châu Âu chủ yếu thông qua con đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Nếu nguồn viện trợ không có khả năng đến được Xy-ri, khoảng 6,5 triệu người sẽ di cư. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là cộng đồng quốc tế cần bảo đảm các chuyến hàng viện trợ có thể đến được đất nước đang bị cuốn vào cuộc nội chiến. Điều quan trọng là giữ cho hàng viện trợ được vận chuyển qua các cửa khẩu biên giới.

Các cơ quan viện trợ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ bảo đảm nguồn tiếp tế về lương thực và các dịch vụ y tế đến được với nhiều người đang sống trong những trại di cư quá đông đúc ở Xy-ri. Hội đồng Bảo an đang xem xét dự thảo nghị quyết mở lại cửa khẩu biên giới Xy-ri với I-rắc trong vòng sáu tháng để cho phép vận chuyển hàng viện trợ. Bỉ và Đức đã trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu duy trì hai cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới khu vực tây-bắc Xy-ri do phiến quân kiểm soát và mở lại một cửa khẩu từ I-rắc đến khu vực đông-bắc Xy-ri để chuyển hàng y tế giúp phòng, chống dịch Covid-19, trong bối cảnh 11 triệu người Xy-ri cần cứu trợ. Người đứng đầu cơ quan nhân đạo LHQ M.Lâu-cốc đã mô tả việc chuyển hàng cứu trợ qua khu vực biên giới tây - bắc Xy-ri là “mang tính sống còn” cho hàng triệu người dân. 

Hoạt động của WFP tại Xy-ri đang đối mặt sự thiếu hụt kinh phí lên đến 200 triệu USD trong năm nay. Trong khi đó, nền kinh tế nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng lớn khi tỷ giá quy đổi đồng bảng Xy-ri sang đồng USD rơi ở mức thấp kỷ lục, với 1 USD đổi được 1.800 bảng so mức 47 bảng ở thời điểm trước khi xảy ra xung đột. Một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Xy-ri lao đao bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Oa-sinh-tơn mới đây chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 cá nhân và các thực thể của Xy-ri, trong đó có cả Tổng thống B.Át-xát nhằm siết chặt nguồn thu buộc Đa-mát trở lại các cuộc đàm phán do LHQ đứng đầu. Tháng 12-2019, Đạo luật Caesar đã nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6-2020, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ sẽ có hiệu lực nhằm tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ Chính phủ Xy-ri. Đạo luật Caesar cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Xy-ri cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Đa-mát.

Tình hình Xy-ri hiện nay được cho là khó đủ khả năng chịu đựng một đợt bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Xy-ri thông qua các hoạt động cứu trợ và huy động thêm nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, một giải pháp bền vững và lâu dài cho Xy-ri vẫn là việc các bên xung đột phải đối thoại nhằm đạt được sự thống nhất về một lộ trình chính trị toàn diện, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc đang bước sang năm thứ 10.