Gánh nặng khó san sẻ

Hồi hương các phần tử thánh chiến, chủ yếu là công dân châu Âu, từng tham chiến tại I-rắc và Xy-ri, đang là đề tài gây tranh cãi. Mỹ chỉ trích nhiều nước châu Âu không chịu nhận lại các phần tử từng tham gia tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Khi Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết thực hiện kế hoạch trả lại các tay súng IS, nhiều quốc gia không thể tiếp tục phớt lờ trách nhiệm chung đầy khó khăn này.

Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu ở Xy-ri, trong đó có nhiều nước châu Âu tham gia, đã tuyên bố xóa sổ các “thành trì” của IS, làm tiêu tan tham vọng thành lập “Vương quốc Hồi giáo” của IS ở Trung Đông. Song, đến nay mối đe dọa từ tổ chức cực đoan này vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, kể cả ở châu Âu. “Lục địa già” nơm nớp nỗi lo IS trỗi dậy trở lại và việc “hồi hương” của các tay súng từng được “luyện” trong các “lò đào tạo” của IS ở Trung Đông tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường đối với an ninh quốc gia của các nước châu Âu.

Trong bối cảnh có khoảng 10 nghìn tay súng, chủ yếu người nước ngoài, hiện bị giam giữ ở Xy-ri và I-rắc, các nước Trung Đông kêu gọi những quốc gia có liên quan cùng gánh vác trách nhiệm. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có khoảng 1.200 tù nhân IS trong các nhà tù của nước này, trong đó có 287 tay súng mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ ở Xy-ri trong chiến dịch tiến công hồi đầu tháng 10. An-ca-ra luôn chỉ trích việc các nước phương Tây từ chối hồi hương công dân từng đứng trong “hàng ngũ IS”, bằng cách tước quốc tịch của những phần tử này. Anh đã xóa quốc tịch của hơn 100 công dân tham gia các nhóm thánh chiến ở nước ngoài. Không muốn ôm “quả bom hẹn giờ”, An-ca-ra đã khởi động kế hoạch trả lại các phần tử IS cho các nước châu Âu như Ai-len, Đức, Pháp, Đan Mạch và cho Mỹ.

Cuộc họp khẩn của liên minh chống IS mới đây được tổ chức tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) theo đề xuất của Pháp, nhằm thảo luận về cách thức đối phó tổ chức cực đoan này trong tình hình mới và về tương lai của các tù binh IS sau khi Mỹ chính thức rút quân khỏi miền bắc Xy-ri. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc trong bế tắc, bởi Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ về vấn đề hồi hương các tay súng IS ở nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi các nước sớm đạt được một thỏa thuận quốc tế về số phận của các phần tử thánh chiến nước ngoài đang bị giam giữ ở Trung Đông. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cho rằng, Xy-ri và I-rắc không có trách nhiệm giải quyết vấn đề này thay cho các nước. Theo ông A.Gu-tê-rét, các nước phương Tây cũng nên nhận lại cả những phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các tay súng và giúp họ tái hòa nhập xã hội.

Một vài nước châu Âu buộc phải tiếp nhận các phần tử thánh chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ trao trả, song tỏ ra miễn cưỡng khi phải cùng gánh vác trách nhiệm. Thực tế cho thấy, chính phủ nhiều nước châu Âu rơi vào thế khó khi dư luận trong nước lo ngại về các nguy cơ an ninh không thể kiểm soát nếu nhận lại các phần tử IS. Tổ chức cực đoan này hiện vẫn duy trì các hoạt động nhỏ lẻ và biến đổi dưới nhiều hình thức, nhằm truyền bá tư tưởng cực đoan. Châu Âu từng khổ sở và hoang mang bởi các cuộc tiến công của những con “sói cô đơn” được IS truyền cảm hứng. Bởi thế, nỗi lo an ninh chung và thái độ không muốn chia sẻ gánh nặng nhận lại các phần tử thánh chiến của châu Âu cũng là điều dễ hiểu. Chính phủ Anh cho rằng, những chiến binh nước ngoài nên được xét xử ở nơi “các tội ác đã được thực hiện”. Đức công nhận “quyền cơ bản” được trở về của công dân, song Béc-lin chỉ chấp thuận tiếp nhận, nếu những phần tử này được đưa ra xét xử ngay lập tức.

Mặc dù liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tuyên bố chiến thắng, song trên thực tế, cuộc chiến chống IS chưa kết thúc. Cả Mỹ và châu Âu đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi mối đe dọa khủng bố thì treo lơ lửng, mà họ vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán khó là xử lý vấn đề công dân từng tham gia IS.