EU bước vào năm 2021 với nhiều thách thức

NDO -

Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, Liên hiệp châu Âu (EU) với 27 nước thành viên tiếp tục đối mặt diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với nhiều lo âu, thách thức trong năm mới. Đó là sự hồi phục không đồng đều, thất nghiệp, nợ công hay xây dựng khả năng tự cường về kinh tế và quốc phòng.

Thủ đô Paris vẫn vắng khách du lịch trong khi Chính phủ Pháp đang xem xét khả năng đóng cửa nhà hàng, quán bar đến hết tháng 1-2021.
Thủ đô Paris vẫn vắng khách du lịch trong khi Chính phủ Pháp đang xem xét khả năng đóng cửa nhà hàng, quán bar đến hết tháng 1-2021.

Các nền kinh tế của khu vực EU đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt một năm qua và hiện vẫn ở giai đoạn hồi phục cầm chừng do các biện pháp hạn chế kéo dài. Chiến dịch tiêm chủng mới bắt đầu và thậm chí tiến triển rất chậm như ở Pháp, chỉ có mấy nghìn người được tiêm phòng tính tới ngày 4-1. Còn Hà Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 6-1 và là nước triển khai chậm nhất trong khu vực. Do vậy, vẫn còn nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ ba sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Trước tình hình như vậy, các nhà kinh tế của khu vực buộc phải giảm mức dự báo đối với sự phục hồi và cho rằng diễn biến cũng như khả năng kiểm soát dịch bệnh sẽ là yếu tố quyết định mức tăng trưởng bù đắp trong năm 2021. 

Thách thức về hồi phục kinh tế

Theo kế hoạch, các nước EU tiến hành tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất, khoảng 30% dân số, vào cuối quý 1-2021. Đến mùa hè, tỷ lệ được tiêm chủng sẽ cao hơn nhiều khi có đủ nguồn cung cấp vaccin để tiến tới tỷ lệ tiêm chủng từ 60% trở lên và đạt mức miễn dịch cộng đồng. 

Thực tế, việc triển khai tiêm chủng ở mỗi nước EU khác nhau. Triển vọng phục hồi sẽ phụ thuộc mức độ thiệt hại cũng như diễn biến dịch ở từng nước thành viên EU. Vào năm 2022, GDP của khu vực sử dụng đồng euro được dự báo có khả năng lấp đầy mức thâm hụt trong năm 2020. 

Từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, các nước Nam Âu như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn vì nguồn thu phụ thuộc nhiều vào du lịch. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, mức suy giảm GDP trong năm 2020 là 12,4% ở Tây Ban Nha, 9,4% ở Pháp và 5,6% ở Đức. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành công nghiệp của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay tác động nghiêm trọng đến ngành dịch vụ, cung cấp rất nhiều việc làm nhưng lại phụ thuộc không nhỏ vào nhu cầu của du khách nước ngoài. Không có khách và không thuộc lĩnh vực thiết yếu, ngành dịch vụ và du lịch buộc phải ngừng hoạt động mỗi khi dịch lây lan mạnh. 

Đối với ngành vận tải hàng không cũng vậy. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử với mức lỗ lũy kế được ước tính lên tới 117 tỷ USD và có thể ở mức 39 tỷ USD trong năm 2021. Vận tải hàng không quốc tế khó có thể trở lại bình thường trước năm 2023. 

Các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn Bảo hiểm châu Âu Allianz cho rằng, hết năm 2021, hoạt động của khách sạn cùng với nhà hàng và du lịch mới có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch. Tình trạng phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ đã được hạn chế nhờ có khoản hỗ trợ khẩn cấp nhưng nhiều doanh nghiệp khó có thể trụ nổi khi hết cứu trợ. 

Ngày 10-12-2020, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự đồng thuận về gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro có tên gọi "Thế hệ mới EU" sau nhiều tháng đàm phán. Dù vậy, đó mới chỉ là bước đầu, còn cần có lộ trình chi tiêu cụ thể, nhanh chóng và hiệu quả. Nhiệm vụ của các nước thành viên là đưa ra các dự án đầu tư đáp ứng đúng tiêu chí để có thể nhận tiền từ gói hỗ trợ này trong đó yêu cầu phát triển xanh. Trở ngại về thủ tục hành chính cũng như chính trị có thể làm chậm quá trình tiếp nhận đầu tư từ ngân sách EU như đã từng xảy ra trước đây đối với Italy.  

Việc giải ngân gói cứu trợ kinh tế khó diễn ra trong nửa năm đầu năm nay. Cho đến lúc đó, các nước thành viên sẽ phải gia hạn viện trợ khẩn cấp để tránh tình trạng phá sản, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng và bất ổn xã hội. Vì vậy, sự phục hồi "hai tốc độ" có thể xảy ra. Các quốc gia phía bắc EU có thể phục hồi nhanh hơn vì có tiềm năng hơn về tài chính và công nghiệp. Còn đà phục hồi của các nước thành viên ở phía nam sẽ chậm hơn vì phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ du lịch và hạn chế về tài chính. 

Thách thức về việc làm và nghèo đói

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (EuroStat), tỷ lệ thất nghiệp của khu vực EU là 7,6% vào tháng 10-2020, chỉ cao hơn 1% so với năm trước. Đây là tỷ lệ không đáng lo ngại, nhờ có sự hỗ trợ quốc gia ở các nước thành viên, hay còn gọi là chế độ thất nghiệm tạm thời, nhằm duy trì việc làm và thu nhập. 

Thực tế thị trường lao động ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác đáng lo ngại hơn con số thống kê. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng vọt trong giai đoạn khủng hoảng dịch vừa qua nhờ chế độ thất nghiệp tạm thời. Đối tượng sẽ bị ảnh hưởng trong mấy tháng tới là giới trẻ mới tốt nghiệp vì phải cạnh tranh gay gắt với những người còn giữ được việc do trợ cấp và làm việc từ xa. 

Phân tích của các chuyên gia kinh tế và việc làm tại Pháp cho thấy, việc gia nhập thị trường lao động vào thời điểm suy thoái kinh tế sẽ là một thách thức rất lớn đối với cả người đang có việc và người lần đầu tìm việc. Nhiều người trẻ sẽ phải chấp nhận một công việc không phù hợp với chuyên môn để tạm có thủ nhập. Khi đó, tình trạng bấp bênh sẽ xảy ra trong một thời gian dài cho tới khi kinh tế thực sự phục hồi, nhất là đối với ngành dịch vụ. 

Theo ước tính của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia của Pháp (INSEE), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này có thể lên tới 9,7% vào cuối năm 2020 so với 8,1% của năm 2019. Còn theo kết quả nghiên cứu gần đây của Tập đoàn Allianz, tới năm 2024, thu nhập trung bình của thanh niên châu Âu mới có thể trở lại mức như trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh. Điều này có thể dẫn tới sự bất bình đẳng về việc làm giữa các thế hệ, đồng thời làm suy yếu sự tăng trưởng trong thời gian tới ở các nước EU. 

Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo về sự xuất hiện của "những người nghèo mới" do hậu quả của đại dịch. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động tạm thời, nhân viên của ngành giải trí, sinh viên hay thợ thủ công. 

Tại Pháp, theo các tổ chức từ thiện, cuộc khủng hoảng y tế đã đẩy khoảng một triệu người vào cảnh nghèo đói, ngoài chín triệu người (14,5% dân số) hiện đang sống dưới mức thu nhập trung bình với chi tiêu hằng tháng chưa đến một nghìn euro. Còn theo EuroStat, tỷ lệ nghèo đói đã vượt quá 20% ở các nước như Italy, Tây Ban Nha, Romania hay Bulgaria. 

Thách thức về thâm hụt công

Đối mặt với cú sốc của đại dịch, các nước EU đã triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp lớn chưa từng có: viện trợ tiền cho các doanh nghiệp cùng với việc bảo lãnh vay, hỗ trợ thất nghiệp liên tục được gia hạn, rồi tới các kế hoạch phục hồi kinh tế. Không chỉ có vậy, các nước còn dự trù các khoản đầu tư lớn để chuyển đối năng lượng thân thiện với môi trường. 

Cũng như mức độ hồi phục, ngân sách để xử lý khủng hoảng dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế cũng ở mức độ khác nhau tại mỗi nước EU. Pháp đưa ra gói phục hồi 100 tỷ euro nhưng chủ yếu để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì hoạt động. Nếu đại dịch không rút sớm, chính phủ lại phải gia hạn hỗ trợ. Đức chi gần 485 tỷ euro, tương đương 14% GDP. Còn mức độ hỗ trợ của các nước phía nam thấp hơn nhiều. 

EU cũng đã nhất trí về gói phục hồi trị chung trị giá 750 tỷ euro, rất lớn nhưng có ít có tác động đến tăng trưởng trong năm 2021. Vì đây không phải là khoản tiền để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, phục hồi hoạt động kinh tế trong trong ngắn hạn, mà là một kế hoạch tài chính để tăng năng suất và tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, việc phân bổ số tiền này cho các quốc gia không phải là vấn đề đơn giản. 

Do tác động của suy thoái kinh tế, các biện pháp khẩn cấp cùng với kế hoạch phục hồi của các nước thành viên đã đẩy nợ công của khu vực sử dụng đồng euro tăng từ 85,9% GDP vào năm 2019 lên hơn 100% vào năm 2020. Tỷ lệ nợ công của một số nước EU như Pháp, Bồ Đào Nha, Italy hay Hy Lạp sẽ vượt quá 100% GDP vào năm 2021, cao hơn hẳn so với các nước như Đức, Hà Lan, Áo , Phần Lan, hay Thụy Điển hay Đan Mạch. 

Trong ngắn hạn, tài chính công chưa quá đáng lo ngại và các quy tắc về hạn chế thâm hụt công tạm bị đình chỉ nhưng có thể được đưa trở lại bàn đàm phán trong thời gian tới. Khi đó, sự gắn kết và chia sẻ trong khối lại được thử thách giữa một bên gồm những người "tiết kiệm chi tiêu công" như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch hay Áo với những nước đòi hỏi kéo dài sự hỗ trợ chung.

Vì vậy, 2021 có thể coi là năm bản lề đối với các nước thành viên của khu vực EU, với mục tiêu chung là khắc phục hậu quả của đại dịch, phục hồi kinh tế-xã hội, xây dựng sức mạnh độc lập về kinh tế và quốc phòng. 

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba