Đứng trên đôi chân của chính mình

Sau phát biểu “gây sốc” mới đây, khi nhận định NATO rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, Tổng thống Pháp E.Macron lại vừa có bình luận mới, trong đó cảnh tỉnh châu Âu về sự lệ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của NATO. Thúc đẩy cải tổ Liên hiệp châu Âu (EU), theo hướng độc lập hơn, giảm phụ thuộc các đồng minh trong việc bảo đảm an ninh của “lục địa già”, là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo EU đang rốt ráo thúc đẩy.

Phát biểu của Tổng thống E.Macron trên tạp chí Nhà kinh tế (Anh) hôm 7-11 khiến các đồng minh nổi giận, là bởi lãnh đạo Pháp đã động chạm tới một trong những điều cấm kỵ xưa nay trong NATO, đó là hoài nghi sức mạnh và sự tồn tại của liên minh quân sự xuyên Ðại Tây Dương. Theo ông Macron, hiện không có sự phối hợp hiệu quả giữa Mỹ với các nước châu Âu và NATO hầu như "bị tê liệt" trước các hành động phớt lờ đồng minh của một số thành viên. Hai thí dụ mới nhất là Mỹ bất ngờ rút quân và Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch trong lãnh thổ Syria, nhưng cả hai thành viên NATO này đều không tham vấn ý kiến các đồng minh châu Âu. Bởi thế, theo lãnh đạo Pháp, điều châu Âu cần làm là tăng cường tính chủ động, độc lập trong việc bảo đảm an ninh của chính mình, không chỉ trông chờ vào cam kết từ Mỹ, vốn đang giảm mỗi ngày.

Ðể xoa dịu cơn giận của các đồng minh, trong nhận định hồi tuần trước đề cập quy định về trách nhiệm tập thể trong hiệp ước thành lập NATO cách đây 70 năm, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng, không phải châu Âu chối bỏ NATO, mà chỉ đơn giản là muốn giảm nhẹ sự phụ thuộc, nhất là vào Mỹ. Ông Macron khẳng định không chủ trương xóa sổ NATO, hay kích động các thành viên châu Âu ngừng tham gia liên minh quân sự với Mỹ, mà chỉ nhắm tới mục tiêu cải tổ EU nhằm giảm bớt sự lệ thuộc về an ninh lâu nay vào các đồng minh.

Dù với lý do nào, chủ ý gì, thì những bình luận của Tổng thống Pháp cũng cho thấy thực tế chia rẽ sâu sắc giữa các đồng minh hai bờ Ðại Tây Dương. Quan hệ giữa châu Âu và Mỹ gần đây gặp nhiều trắc trở, nhất là từ sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump lên nắm quyền năm 2017. Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", ông Trăm "xới xáo" lại các cam kết quốc tế của Mỹ trong mọi lĩnh vực, trong đó có các "hóa đơn" mà Washington chi trả cho các hoạt động của NATO. Quan điểm của Tổng thống Mỹ coi nhẹ vai trò của NATO và đòi hỏi các đối tác châu Âu san sẻ "gánh nặng tài chính" nhiều hơn đẩy mối quan hệ đồng minh xuyên đại dương lên các nấc căng thẳng mới.

Không chỉ gây sức ép đòi các thành viên châu Âu nâng mức đóng góp ngân sách cho NATO, gần đây Mỹ còn ra dấu hiệu phớt lờ đồng minh. Bằng chứng mới nhất là quyết định bất thình lình của Tổng thống Trăm rút binh sĩ Mỹ khỏi chiến trường Syria, bất chấp thực tế các đồng minh châu Âu đóng góp quân số và tài chính cho nỗ lực chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu tại quốc gia Trung Ðông này.

Nguy cơ Mỹ giảm mạnh cam kết với NATO, tức là cam kết bảo vệ "lục địa già", đang là "động lực" chính để các nước châu Âu xúc tiến các bước đi nhằm chủ động trong vấn đề bảo đảm an ninh. Trong đó, Pháp và Ðức khởi xướng ý tưởng và đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy độc lập về mặt quốc phòng, giảm sự phụ thuộc quá lớn của châu Âu vào "chiếc ô an ninh" của NATO. Các dự án quốc phòng, hợp tác quân sự được triển khai, nhất là ý tưởng cho ra đời một lực lượng riêng của EU, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh của châu lục. Ðể xoa dịu lo ngại về sự xung đột mục tiêu và chồng chéo nhiệm vụ, các nhà lãnh đạo Pháp và Ðức luôn khẳng định một lực lượng riêng của EU sẽ không cạnh tranh với NATO. Thêm một lý lẽ nữa là, ngoài các vấn đề an ninh truyền thống, hiện có thêm nhiều mối đe dọa mới, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệnh và cả biến đổi khí hậu, là những thách thức mà để đối phó không cần đến các thiết bị quân sự tối tân chỉ Mỹ mới có.

Mục tiêu giảm phụ thuộc trong vấn đề an ninh mà Tổng thống Pháp E.Macron thúc đẩy cũng là hàm ý được tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Leyen gửi gắm trong Thông điệp châu Âu đầu tiên của nhiệm kỳ. Phác thảo một "EU lý tưởng", nữ lãnh đạo mới của cơ quan hành pháp EU còn khẳng định, EU cần sớm khôi phục vị thế tiên phong, không chỉ là đối tác mà cần là người tạo ra xu hướng toàn cầu. Muốn vậy, giới lãnh đạo châu Âu đều nên hiểu rằng, điều quan trọng là EU cần "đứng trên đôi chân của chính mình".