Bình luận quốc tế

Du lịch toàn cầu trong "tâm bão"

"Cơn bão" Covid-19 nghiêm trọng trên toàn cầu đã thổi bay lợi nhuận và đẩy ngành du lịch lâm cảnh khó khăn chưa từng thấy. Mặc dù nhiều gói cứu trợ lớn và các biện pháp gỡ khó cho ngành du lịch đã được đưa ra, nhưng ngành công nghiệp không khói này vẫn chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế hiệu quả.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố một báo cáo cho biết, du lịch toàn cầu có thể thiệt hại tới 3.300 tỷ USD do dịch Covid-19. Bản báo cáo đưa ra ba kịch bản về triển vọng phát triển của ngành du lịch thời gian tới với các giả định là các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh sẽ kéo dài 4 tháng, 8 tháng và 12 tháng. Theo đó, các kịch bản đều ở mức xấu hoặc tồi tệ với ngành công nghiệp không khói, khi thu nhập sẽ giảm lần lượt 1.170 tỷ USD, 2.200 tỷ USD và 3.300 tỷ USD, hoặc từ 1,5 đến 4,2% GDP toàn cầu. Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa vào nghiên cứu, du lịch Mỹ chịu thiệt hại nhiều nhất với 538 tỷ USD (tương đương 3% GDP) trong kịch bản xấu nhất; Trung Quốc đứng thứ hai với 105 tỷ USD. Thái-lan và Pháp cũng thiệt hại gần 47 tỷ USD mỗi nước. Trong khi đó, quốc đảo Gia-mai-ca chịu thiệt hại 1,68 tỷ USD, nhưng chiếm tới 11% GDP.

Trước khi UNCTAD đưa ra báo cáo nêu trên, một loạt thống kê và nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra triển vọng u ám của ngành du lịch khi ngành này là "tâm bão" khủng hoảng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ đầu tháng 7 cũng đã đưa ra ba mức dự báo sụt giảm khác nhau cho lĩnh vực du lịch tại khu vực Mỹ la-tinh trong năm 2020, lần lượt là 43,8%; 56,3% và 68,8% so với năm 2019. Trong khi đó, Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) về năng lượng và cơ sở hạ tầng A.A-bu Dây hôm 2-7 cho biết, các nước châu Phi mất gần 55 tỷ USD nguồn thu du lịch trong ba tháng gần đây do tác động của đại dịch. Dịch vụ du lịch và lữ hành vốn đóng góp gần 10% tổng GDP và đem lại thu nhập cho 24 triệu hộ gia đình tại "lục địa đen". Bởi vậy, các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới mà nhiều chính phủ áp dụng để phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế châu Phi.

Nhằm gỡ khó cho ngành du lịch, thời gian gần đây chính phủ nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu và nỗ lực tái khởi động ngành kinh tế quan trọng này. Tại châu Âu, sau khoảng thời gian dài "án binh bất động", Hy Lạp đang từng bước tái khởi động ngành du lịch, lĩnh vực mang tính sống còn đối với nền kinh tế, đóng góp tới 20% GDP của nước này. Từ ngày 1-7, Hy Lạp đã khôi phục các chuyến bay tới các hòn đảo du lịch quan trọng, với hơn 100 chuyến bay dự kiến sẽ được khai thác tại 14 sân bay khu vực. Trong khi đó, từ cuối tháng 6, Ðan Mạch đã cho phép công dân từ các nước châu Âu có số ca lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp nhập cảnh vào nước này. Theo đó, du khách đến từ Ai-xơ-len, Ðức và Na Uy được phép vào nước này với điều kiện họ phải có thời gian lưu trú ít nhất sáu đêm. Tại một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha, Chính phủ vừa công bố kế hoạch cứu trợ trị giá 4,78 tỷ USD nhằm giúp ngành du lịch phục hồi.

Ai Cập, "thiên đường du lịch" tại châu Phi, cũng đã nỗ lực vực dậy ngành du lịch. Các khách sạn, các khu khảo cổ và cả các bãi biển đã được dọn dẹp vệ sinh và khử khuẩn để sẵn sàng chào đón du khách trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh. Theo đó, các khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Ðỏ, trong đó có Nam Xi-nai và các bãi biển Ðịa Trung Hải ở phía tây thành phố duyên hải A-lếch-xan-đri-a sẽ là những nơi đầu tiên được mở cửa trở lại đón du khách quốc tế. Ở Ðông - Nam Á, quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh là Thái-lan cũng đẩy mạnh các biện pháp giải cứu ngành du lịch. Chính phủ Thái-lan vừa thông qua hai gói kích cầu du lịch có tổng trị giá 723 triệu USD để giúp hồi sinh ngành công nghiệp không khói vốn bị tê liệt bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, các gói kích cầu du lịch sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-10, bao gồm 64,5 triệu USD để hỗ trợ giá vé máy bay trong nước, xe buýt liên tỉnh và phí thuê xe cho tổng cộng hai triệu người...

Những nỗ lực giải cứu ngành du lịch nêu trên xem ra chưa thấm tháp gì so với những khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt trong dài hạn. Trong báo cáo vừa công bố, UNCTAD cảnh báo rằng, du lịch quốc tế bị đình trệ gần như hoàn toàn, và du lịch trong nước phải cắt giảm vì các điều kiện phong tỏa mà nhiều nước đang thực thi. Dù một số điểm đến đã bắt đầu mở lại, nhiều người vẫn e ngại đi du lịch vì khủng hoảng kinh tế. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh như hiện nay, hầu hết các thiên đường nghỉ dưỡng thế giới đều đang lao đao. Dù các gói kích cầu lớn đã được đưa ra, nhưng một khi chưa có vắc-xin đủ mạnh để chặn đứng "bão Covid-19" thì các "liều thuốc tăng lực" mà các chính phủ dành cho ngành du lịch chỉ như muối bỏ bể mà thôi.