Dịch bệnh “cản bước”

Đại dịch Covid-19 đã và đang “cản bước” phục hồi kinh tế Nhật Bản khi số người nhiễm bệnh gia tăng, triển vọng kinh tế ảm đạm. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Ha-ru-hi-cô Cư-rô-đa vừa nhận định, tình hình kinh tế Nhật Bản “đang rất xấu” và tốc độ phục hồi sẽ chỉ ở mức vừa phải trong năm 2021.

Dịch bệnh tiếp tục nghiêm trọng tại “đất nước mặt trời mọc” trong những tuần đầu tiên của năm 2021. Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại thủ đô Tô-ki-ô và ba tỉnh lân cận, sau đó nâng lên thành bảy tỉnh, thành phố. Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết và các nhà hàng phải rút ngắn thời gian mở cửa. Tuy nhiên, biện pháp nêu trên vẫn chưa thể ngăn chặn được làn sóng Covid-19 mới đang bùng phát tại nước này, nhất là ở thủ đô Tô-ki-ô. Giới chức tại thành phố này vừa cho biết, tính từ đầu tháng 1 tới nay, số ca nhiễm mới ở Tô-ki-ô đã vượt hơn 30.000 ca, chiếm khoảng một phần ba tổng số ca nhiễm của thành phố này. Mỗi ngày số ca nhiễm tại Tô-ki-ô hầu như đều tăng ở mức bốn con số. Điều này đã làm dấy lên quan ngại hệ thống y tế của Nhật Bản có thể sụp đổ, với số người chết tại nhà gia tăng đáng kể.

Khi làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội gia tăng, nhiều lĩnh vực kinh tế của Nhật Bản ngày càng lâm cảnh khó khăn và các chỉ số kinh tế ảm đạm. Trong đó, “nạn nhân” lớn nhất của dịch Covid-19 là ngành du lịch. Cục Du lịch Nhật Bản vừa công bố báo cáo cho thấy, số khách nước ngoài đến “xứ sở hoa anh đào” trong năm 2020 ghi nhận mức thấp nhất trong 22 năm qua, chỉ đạt hơn 4,1 triệu người, giảm 87,1% so với năm 2019. Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của biến thể Covid-19 mới, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định từ chối nhập cảnh đối với tất cả các nước kể từ cuối năm 2020 đến hết tháng 1-2021. Theo đó, ngành du lịch và hàng không càng khó khăn hơn. Dịch Covid-19 còn ảnh hưởng cả đến các mục tiêu phát triển dài hạn của Nhật Bản. Trước thời điểm dịch bùng phát, Nhật Bản từng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón được 60 triệu khách nước ngoài mỗi năm, tuy nhiên, với tình hình hiện nay, giới phân tích nhận định, mục tiêu nêu trên là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã suy giảm 29,2% trong quý II - 2020, sau đó phục hồi mạnh với mức tăng trưởng hằng năm đạt 22,9% trong quý III cùng năm, do hoạt động kinh tế từng bước được “tái khởi động”. Tuy nhiên, tình hình kinh tế quý IV - 2020 và cả năm 2021 không khả quan. Thống đốc BoJ Ha-ru-hi-cô Cư-rô-đa nhận định rằng, tình hình kinh tế nước này “đang rất xấu” và tốc độ phục hồi sẽ ở mức vừa phải trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Dịch bệnh nghiêm trọng cũng khiến mục tiêu lạm phát 2% của BoJ ngày càng “xa tầm với”. Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng BoJ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế. 

Trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế và khống chế dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá hơn 700 tỷ USD. Bên cạnh đó, báo chí Nhật Bản cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin vào cuối tháng 2 tới. Các đối tượng ưu tiên trong giai đoạn đầu gồm các nhân viên y tế, những người từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền. Chính phủ của Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê vừa chính thức ký hợp đồng với Pfizer để mua khoảng 144 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Nhật Bản đang cân nhắc khả năng bắt đầu tiêm vắc-xin đại trà và miễn phí cho người dân vào cuối tháng 5 tới. 

Giới phân tích nhận định rằng, chống dịch và phục hồi kinh tế đang là “nhiệm vụ kép” có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Chính phủ của Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê hiện nay cũng như cá nhân ông. Bởi vì, trong năm 2021, Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê sẽ phải đối mặt với hai cuộc bầu cử lớn là cuộc đua vào ghế Chủ tịch Đảng  Dân chủ Tự do (LDP) và bầu cử Hạ viện. Theo các nhà phân tích, để LDP giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện và giữ nguyên vị trí, Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê và đảng LDP cầm quyền cần phải có thành tích đáng ghi nhận trong chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của “đất nước mặt trời mọc”.