Dấu hiệu lạc quan

Vụ Kinh tế và Xã hội (DESA) của Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo cập nhật “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2021”, trong đó nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của “hai đầu tàu” Mỹ và Trung Quốc. Bức tranh kinh tế thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, song vẫn cần thận trọng trước tình trạng dễ bị tổn thương bởi tác động từ đại dịch.

Mức tăng trưởng ấn tượng của hai nền kinh tế “đầu tàu” bất chấp đại dịch đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6% trong năm nay. Kinh tế Mỹ trong quý I - 2021 tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng trưởng quý đầu năm cao nhất kể từ năm 1984. Lực đẩy từ chi tiêu tiêu dùng và gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của chính phủ là những yếu tố giúp kinh tế Mỹ phục hồi nhanh. Với đánh giá lạc quan hơn về triển vọng phục hồi của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, DESA đã nâng mức dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của Trung Quốc từ 7,2% lên 8,2% và của Mỹ từ 3,4% lên 6,2%.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng chứng kiến những dấu hiệu cải thiện. Chính phủ Nhật Bản cho biết, xuất khẩu và sản xuất của Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 vừa qua. Lần đầu kể từ tháng 8-2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đánh giá các chỉ số kinh tế ở mức lạc quan nhất trong thang đo năm mức, sau khi chỉ số điều kiện kinh doanh tăng 3,2 điểm từ mức 93,1 ghi nhận hồi tháng 2. Sản xuất của các ngành liên quan hóa chất và ô-tô tại Nhật Bản gia tăng, với xuất khẩu ô-tô tăng đáng kể. Các nhà bán lẻ và bán buôn ghi nhận doanh số bán hàng mạnh mẽ, góp phần cải thiện chỉ số tình hình kinh doanh. Hàn Quốc cũng ghi nhận các chỉ số kinh tế tăng trong báo cáo “Xu hướng kinh tế tháng 5” của Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI). Theo đó, nền kinh tế “xứ kim chi” có dấu hiệu phục hồi, tập trung ở ngành chế tạo. Đây là lần đầu cụm từ “kinh tế hồi phục” được nhắc đến trong báo cáo của KDI kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này. Doanh số bán lẻ, xuất khẩu và đầu tư thiết bị đều tăng cho thấy ngành sản xuất của Hàn Quốc đang có xu hướng phục hồi vững chắc. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ cũng có dấu hiệu phục hồi phần nào sau thời gian dài trì trệ. Tuy nhiên, số ca mắc mới tăng mạnh là yếu tố gây bất ổn lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Việc tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Liên hiệp châu Âu (EU) đã tác động tích cực tới nền kinh tế của liên minh. Các nước EU đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế đáng kể. Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế, theo đó ở 19 quốc gia khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so mức 3,8% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 2. EC cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt 4,2% trong năm nay và 4,4% trong năm sau. “Bóng đen” Covid-19 được cho là đang dần rời khỏi các nền kinh tế châu Âu, dù nguy cơ về tác động của nó vẫn còn hiệu hữu. EU hy vọng kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của liên minh trị giá 750 tỷ ơ-rô sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái. Nếu các nền kinh tế EU đạt tăng trưởng, kinh tế châu Âu sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái thứ hai chỉ chưa đầy một năm. Trong khi đó, nền kinh tế Anh cũng tăng trưởng cao hơn dự kiến trong tháng 3 vừa qua, với mức tăng trưởng đạt 2,1%, cao hơn mức dự báo 1,3% của các nhà phân tích. Trong bối cảnh “xứ sở sương mù” đạt được các thành công nhất định từ chiến dịch tiêm chủng và đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giới phân tích cho rằng, kinh tế Anh đang dần hồi phục.

Với những tín hiệu lạc quan phát đi từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, DESA đã điều chỉnh dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7%  đưa ra hồi tháng 1. Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 3,6%. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa triển vọng phục hồi toàn cầu khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các chiến dịch tiêm phòng ở nhiều nước vẫn diễn ra chậm chạp. Sự bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin giữa các nước đang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi không đồng đều và dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu. Với tình trạng nguy hiểm của đại dịch được dự báo kéo dài, cũng như các dư địa tài chính không còn nhiều, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất tại Nam Á, cận Xa-ha-ra của châu Phi, Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê đang đối mặt viễn cảnh suy thoái chưa từng thấy. 

Bức tranh kinh tế toàn cầu đang có nhiều hơn những “khoảng sáng” bởi các nền kinh tế lớn dần hồi phục. Tuy nhiên, “bóng tối” của đại dịch vẫn tác động tiêu cực tới các nền kinh tế dễ bị tổn thương, đe dọa làm chệch đà phục hồi chung, khiến “sức khỏe nền kinh tế toàn cầu” vẫn mong manh.