Dấu hiệu khởi sắc

Giá dầu thế giới leo lên mức cao mới trong bốn tuần qua, giữa bối cảnh tình trạng tràn ngập nguồn cung dầu mỏ đang chấm dứt, bởi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Các tín hiệu tích cực từ chương trình tiêm vắc-xin, sự mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế cũng như việc duy trì cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) suốt thời gian qua đã đem lại dấu hiệu khởi sắc cho thị trường “vàng đen”.

Sau khi tăng gần 5% trong phiên 14-4, giá dầu Brent Biển Bắc tiếp tục tăng 36 cent (0,5%) lên 66,94 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 31 cent (0,5%) lên 63,46 USD/thùng ngày 15-4. Đây là các mức đóng phiên cao nhất của hai hợp đồng dầu chủ chốt kể từ ngày 17-3. Giá dầu thế giới bật tăng mạnh sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tạo tâm lý lạc quan về sự phục hồi nhu cầu, sau khi hoạt động tiêu thụ nhiên liệu giảm mạnh do biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 năm 2020. Theo IEA, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tuần trước đã giảm 5,9 triệu thùng, vượt mức dự đoán giảm 2,9 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, lượng xăng tiêu thụ tại Mỹ tuần qua tăng lên 8,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8-2020. Lượng xăng dự trữ tăng 309.000 thùng, ít hơn dự đoán tăng 786.000 thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,1 triệu thùng, trái với dự đoán tăng 971.000 thùng. Những nhân tố tích cực từ nền kinh tế đã khiến IEA dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khoảng 5,7 triệu thùng/ngày, lên 96,7 triệu thùng/ngày sau mức giảm 8,7 triệu thùng/ngày năm 2020. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây cũng nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu thêm 70.000 thùng/ngày lên 5,95 triệu thùng/ngày trong năm nay.
 
 Các chuyên gia nhận định, báo cáo của IEA mang tính khích lệ, cho thấy nhu cầu “vàng đen” đang trên đà phục hồi. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có các tác động mạnh mẽ từ sự khởi sắc của các nền kinh tế lớn. Những dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ đã hỗ trợ đà tăng giá dầu. Với kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Mỹ, các ngân hàng lớn của Mỹ đã khởi đầu mùa báo cáo lợi nhuận, trong đó cả Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Wells Fargo đều ghi nhận lợi nhuận vượt dự đoán. Thêm vào đó, doanh số bán lẻ tháng 3 vừa qua của Mỹ đã tăng mạnh hơn dự đoán, trong bối cảnh người dân đã được nhận khoản viện trợ bổ sung và việc tăng cường tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 đã giúp nhanh chóng nối lại các hoạt động kinh tế. Thị trường cũng chịu tác động bởi tin Nhà trắng sẽ đẩy nhanh thời hạn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ người trưởng thành ở Mỹ từ ngày 1-5 lên ngày 19-4, trong bối cảnh tiến trình tiêm chủng đang diễn ra nhanh chóng tại tất cả 50 bang. Việc nước Anh nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, cho phép các nhà hàng, phòng tập thể thao, tiệm làm tóc và các địa điểm ngoài trời mở cửa trở lại, cũng hỗ trợ giá dầu đi lên.
 
 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá lạc quan hơn về đà phục hồi của kinh tế thế giới, nâng dự báo tăng trưởng năm nay lên 6%, sau khi nhiều nước công bố các kế hoạch đầu tư để phục hồi sau đại dịch. Việc nền kinh tế toàn cầu bắt đầu đà hồi phục kéo theo nhu cầu dầu mỏ tăng. Theo IEA, thị trường dầu mỏ thế giới đang thay đổi mạnh khi cần tới nguồn cung bổ sung gần hai triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng như dự báo. Dẫn dắt thị trường dầu mỏ và thực thi chính sách nhằm giảm nguồn cung trong thời gian dài, các nhà sản xuất trong OPEC+ đã và đang nâng dần sản lượng khai thác. OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác từ tháng 5 tới nhằm đáp ứng nhu cầu dầu mỏ đang tăng.
 
 Thị trường “vàng đen” đang phát đi những tín hiệu tích cực, song sự phục hồi vẫn chưa thật sự chắc chắn. Tại thời điểm hiện nay, phần lớn lòng tin trên thị trường dựa trên giả định nhu cầu dầu mỏ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên những thông tin về số ca mắc Covid-19 gia tăng ở
 Ấn Độ và một số khu vực của châu Âu làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường. Việc một số chính phủ châu Âu áp đặt lại các lệnh phong tỏa, trong khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và I-ran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 diễn biến khó lường, cũng là các nhân tố tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ.