“Cú huých” cho thương mại tự do Bắc Mỹ

Thỏa thuận bổ sung Hiệp định Thương mại Mỹ, Mexico và Canada (gọi tắt là USMCA) vừa được ba bên ký kết. Động thái này được đánh giá là “cú huých” quan trọng, khép lại tiến trình đàm phán căng thẳng hơn hai năm qua, mở đường để Quốc hội ba nước phê chuẩn văn kiện về thương mại tự do có giá trị khổng lồ tại khu vực Bắc Mỹ.

Với sự chứng kiến của Tổng thống Mexico L.Obrador, hôm 10-12, tại thủ đô Mexico City, đại diện thương mại ba nước Mỹ, Mexico và Canada đã ký văn kiện về các điều khoản cuối cùng điều chỉnh và bổ sung USMCA. Thỏa thuận nêu trên đạt được sau khi các bên hóa giải bất đồng liên quan cơ chế giải quyết tranh chấp, các tiêu chuẩn về lao động, quy định về môi trường, hàm lượng nhôm, thép trong ngành công nghiệp ô-tô, bản quyền dược phẩm theo đơn và thương mại kỹ thuật số...

USMCA được Mỹ, Mexico và Canada chính thức ký từ tháng 11-2018, sau một năm đàm phán cam go, nhằm thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tồn tại suốt 24 năm trước đó. Tuy nhiên, việc phê chuẩn phiên bản “NAFTA 2.0” bị ngưng trệ tại Mỹ từ đầu năm nay, trong bối cảnh phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ yêu cầu thay đổi một số điều khoản trong USMCA liên quan các vấn đề lao động, môi trường, bảo vệ bản quyền dược phẩm theo đơn. Với bản thỏa thuận bổ sung vừa được ký, các vấn đề gai góc nhất trong cuộc đàm phán dai dẳng suốt một năm qua bước đầu được loại bỏ.

Mexico có lẽ là nước “nóng lòng” nhất muốn USMCA được thực thi. Hồi tháng 6, Mexico đã thông qua USMCA và là thành viên đầu tiên phê chuẩn hiệp định này. Hôm 12-12, hai ngày sau khi thỏa thuận bổ sung được ký, Thượng viện Mexico cũng thông qua các điều khoản điều chỉnh này, với số phiếu thuận gần như tuyệt đối. Không khó để lý giải cho “nhiệt huyết” mà Mexico dành cho USMCA. Theo số liệu của Viện Địa lý và thống kê Mexico (INEGI), nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Mỹ la-tinh này hiện trong tình trạng suy thoái. Theo đó, kinh tế Mexico suy giảm liên tiếp trong hai quý đầu năm 2019, sau khi giảm cùng biên độ trong quý cuối cùng năm 2018. Những số liệu tiêu cực “giáng đòn mạnh” vào nỗ lực thực hiện cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà Tổng thống L.Obrador đưa ra khi nhậm chức cuối năm 2018.

Việc phê chuẩn USMCA được nhận định sẽ không gặp trở ngại lớn tại Canada. Thủ tướng Canada J.Trudeau cho biết, Ottawa đang “tích cực làm việc” và rất hy vọng thỏa thuận sớm được Quốc hội nước này thông qua. Chính phủ thiểu số của Thủ tướng J.Trudeau đã nhận được sự ủng hộ của đảng Bảo thủ đối lập trong việc thúc đẩy hiệp định này, trong bối cảnh số việc làm tại Canada trong tháng 11 vừa qua giảm ở mức kỷ lục, kể từ năm 2008. “NAFTA 2.0” có hiệu lực sẽ hậu thuẫn tích cực cho nền kinh tế Canada. Ngân hàng trung ương Canada và nhiều tổ chức tài chính đều cho rằng, môi trường thương mại bất ổn là lý do chính khiến hoạt động đầu tư tại Canada trì trệ, cản trở đà tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, Quốc hội Canada dường như vẫn có ý chờ động thái của Mỹ, trước khi họ bỏ phiếu thông qua.

Trong khi đó, “cửa ải” khó khăn nhất với USMCA vẫn là tại Mỹ, do bất đồng phe phái tại Quốc hội. Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pelosi từng “thề” không cho phép phiên bản mới của NAFTA được thông qua, nếu không có các điều khoản thích hợp về lao động và môi trường. Nay, với nhận xét tích cực rằng, những điều khoản sửa đổi vừa được ký kết là “tốt hơn rất nhiều”, vị nữ lãnh đạo phe Dân chủ này hy vọng hiệp định sớm được thông qua. Tuy nhiên, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ M.Connell cảnh báo, cuộc điều tra luận tội tổng thống mà phe Dân chủ theo đuổi sẽ đẩy tiến trình Quốc hội Mỹ phê chuẩn USMCA sang năm tới.

Các bên đều thấy rõ lợi ích kinh tế to lớn mà USMCA mang lại nếu được thông qua. Canada và Mexico là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, đồng thời là hai trong trong số ba nguồn nhập khẩu hàng đầu của Washington. Trong bối cảnh, kinh tế thế giới cuối năm 2019 được dự báo còn nhiều biến động, nội bộ các nước thành viên còn nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết. Thỏa thuận bổ sung USMCA tạo “cú huých” để bản hiệp định mới về thương mại tự do khu vực Bắc Mỹ rộng lớn sớm đi vào cuộc sống.