Con đường duy nhất

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà các cường quốc nhóm P5+1 ký với I-ran cận kề nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương rút đi, I-ran và ba nước châu Âu đều tỏ thái độ “buông tay”. Nga kêu gọi nỗ lực cao nhất để bảo vệ bản thỏa thuận vốn mong manh bởi những bất đồng sâu sắc.

Đại diện thường trực Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) M.U-li-a-nốp cảnh báo, những nước ký thỏa thuận hạt nhân với I-ran cần tránh tranh chấp có khả năng gây tổn hại tới JCPOA. Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay mà không dùng đến những biện pháp khẩn cấp. Lời kêu gọi của Mát-xcơ-va được đưa ra sau khi nhóm E3 là ba nước châu Âu tham gia JCPOA gồm Anh, Pháp, Đức đe dọa kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp (DRM) trong thỏa thuận, theo đó có thể khôi phục các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) chống I-ran. Trong khi đó, Đại diện cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren cho biết, ông đã nhận được thư của Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp yêu cầu kích hoạt DRM, với lý do E3 không tôn trọng cam kết theo thỏa thuận. 

Cả I-ran và E3 đều đe dọa kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp xuất phát từ những bất đồng không thể giải quyết. Hai bên cáo buộc lẫn nhau không tuân thủ các cam kết trong JCPOA. I-ran đã cắt giảm cam kết sau khi chỉ trích E3 không thực hiện lời hứa bảo vệ lợi ích của Tê-hê-ran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tê-hê-ran cho rằng, các cường quốc châu Âu đã chịu sức ép của Oa-sinh-tơn. Trong khi đó, ba quốc gia châu Âu gần đây còn khởi xướng một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng thống đốc IAEA, mở đường cho các biện pháp trừng phạt chống I-ran. Trong bối cảnh I-ran và các cường quốc châu Âu tiếp tục căng thẳng do cách tiếp cận vấn đề trong giải quyết các tranh chấp liên quan JCPOA, Nga đang tìm cách níu giữ thỏa thuận này khỏi sụp đổ, coi đây là biện pháp cứu vãn quan hệ giữa I-ran và phương Tây. Quan điểm của Nga là mọi vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện JCPOA cần được giải quyết trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp và không nên viện đến những biện pháp khẩn cấp.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến kim ngạch thương mại của I-ran với Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 20 triệu USD, giảm 51,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trước khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực kinh tế và năng lượng của I-ran, kim ngạch thương mại giữa I-ran và Mỹ trong năm 2018 tăng tới 155% so với năm 2017. Chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ nhằm đưa xuất khẩu dầu mỏ của I-ran về mức 0. Tuy nhiên, Tê-hê-ran đã có các biện pháp “lách luật” nhằm đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh việc thực thi các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc nguồn thu dầu mỏ, I-ran nỗ lực tìm kiếm những con đường mới để xuất khẩu dầu, tránh lộ trình vận chuyển năng lượng then chốt ở eo biển Hoóc-mút, nơi tình hình bất ổn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu của cả khu vực. I-ran đang xây dựng đường ống dẫn từ trạm dầu Gu-rê đến cảng Gia-xcơ, cho phép Tê-hê-ran vận chuyển tới một triệu thùng dầu/ngày từ phía đông vịnh Péc-xích đến vịnh Ô-man, bỏ qua eo biển Hoóc-mút. Trong khi đó, Tư lệnh lực lượng hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) mới đây tuyên bố, I-ran đã thiết lập “các thành phố tên lửa bí mật”. Những biện pháp theo kiểu “vỏ quýt dày, móng tay nhọn” này tiếp tục được I-ran xúc tiến, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran, dự kiến hết hạn vào tháng 10 tới, còn các cường quốc châu Âu vẫn chưa tìm ra cách nào để ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Oa-sinh-tơn chống Tê-hê-ran.  
 
Tại phiên họp trực tuyến mới đây của Hội đồng Bảo an LHQ, đại diện LHQ bày tỏ quan ngại về việc cả Mỹ và I-ran đều có những bước đi ảnh hưởng xấu đến JCPOA. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế, giảm đối đầu, trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, coi đây là con đường duy nhất giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Đông.