Chuyển động tích cực

Các Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ và I-ran vừa có cuộc thảo luận về chủ đề “hòa bình, phát triển kinh tế và nhân quyền”. Đại diện quyền lợi cho Mỹ tại I-ran, Thụy Sĩ đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng ở khu vực, trong bối cảnh tình trạng đối đầu Mỹ - I-ran tiếp diễn khi hai đối thủ cùng có bước đi nhằm khẳng định thái độ cứng rắn trước đối phương.

Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với I-ran đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho quốc gia Hồi giáo. Trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao, lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, I-ran đứng trước nguy cơ thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế cũng như đối mặt thách thức về nhân đạo. Đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại I-ran kể từ khi Oa-sinh-tơn cắt đứt quan hệ với Tê-hê-ran sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao làm trung gian xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và I-ran và đảm nhiệm sứ mệnh là kênh liên lạc giữa hai bên.

Trong chuyến thăm Tê-hê-ran vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ I.Ca-xít thảo luận với các nhà lãnh đạo I-ran cùng thiết lập Kênh nhân đạo Thụy Sĩ (SHTA), một cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng viện trợ gồm thực phẩm, vật tư y tế cùng các hình thức viện trợ nhân đạo khác tới I-ran mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. I-ran đánh giá cao các nỗ lực của Thụy Sĩ nhằm giảm bớt tác động từ các bước đi tiêu cực của Mỹ, trong bối cảnh Oa-sinh-tơn thúc đẩy gia hạn các lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Tê-hê-ran, bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và gia tăng biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran, các nước còn lại tham gia JCPOA, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, đều nỗ lực cứu thỏa thuận.

Các nước này phản đối việc chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran, một bước đi có thể phá hủy hoàn toàn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ngoài việc tiếp tục gia tăng sức ép đối với I-ran thông qua các biện pháp trừng phạt, Mỹ còn thực thi chính sách tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông. Chuyến thăm tới khu vực này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo gần đây cũng nhằm bàn thảo với các đồng minh biện pháp ngăn chặn “mối đe dọa từ I-ran”. Quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã đề cập khả năng Oa-sinh-tơn cấp cho Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) những thiết bị quân sự cần thiết để phòng vệ trước I-ran. Việc Mỹ làm trung gian để I-xra-en và UAE đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ cũng được coi là một bước nhằm siết chặt “gọng kìm” chống I-ran.

Đáp lại sức ép gia tăng trừng phạt của Mỹ, I-ran tăng cường khả năng phòng thủ và hoạt động làm giàu u-ra-ni. Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), lượng u-ra-ni làm giàu của I-ran đã tăng gần mười lần mức giới hạn theo thỏa thuận. Bộ Quốc phòng I-ran mới đây tuyên bố, các tên lửa hành trình do nước này chế tạo có khả năng đánh trúng các mục tiêu cách xa hơn 1.000 km. I-ran đã hoàn toàn tự chủ trong việc sản xuất tên lửa và phát triển nhiều loại tên lửa đẩy khác nhau sử dụng nhiên liệu rắn và lỏng. Tê-hê-ran vừa thông báo bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày 10-9 ở khu vực phía đông của vùng biển phía nam nước này, với sự tham gia của các lực lượng hải quân, phòng không, không quân và bộ binh. Trong khi đó, Tổ chức năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) cho biết, nước này đang xây dựng một cơ sở mới để đặt các máy ly tâm, thay thế cơ sở bị hư hại nghiêm trọng trong vụ nổ tại nhà máy nhiên liệu hạt nhân Na-tan hồi đầu tháng 7 mà Tê-hê-ran cho là “hành động phá hoại”. Tuy nhiên, I-ran cũng thể hiện thiện chí trong hợp tác với IAEA, khi Tê-hê-ran cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận một trong hai cơ sở hạt nhân của nước này.

Trạng thái đối đầu kéo dài giữa Mỹ và I-ran chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, bất kỳ một sứ mệnh ngoại giao hay thái độ thiện chí của các bên liên quan đều được khuyến khích. Các động thái góp phần tạo chuyển động tích cực, giúp giảm nguy cơ xung đột đều được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.