Chung tay giải quyết vấn nạn toàn cầu

Các bộ trưởng năng lượng và môi trường của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa nhóm họp tại tỉnh Nagano, Nhật Bản.

Hội nghị đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ quốc tế nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với môi trường hiện nay. Việc kết hợp giữa các chính sách năng lượng và môi trường được hy vọng sẽ đạt hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ “hành tinh xanh”.

Đây là lần đầu G20 tổ chức một hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng hai bộ năng lượng và môi trường. Sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này được đánh giá sẽ giúp thế giới đưa ra những chính sách phù hợp và có sức nặng hơn. Tương tự Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, giải pháp đối với rác thải nhựa đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Đây là một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự tại G20. Ngoài ra, thiết lập các quy định quốc tế mới nhằm thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay, cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị lần này.

Với tư cách nước chủ nhà và là chủ tịch hội nghị, Nhật Bản đi đầu trong việc giải quyết vấn nạn về rác thải nhựa. Tokyo đã đưa ra đề xuất thiết lập một khuôn khổ quốc tế mới nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm rác thải nhựa ra đại dương, cũng như thảo luận về việc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển giảm rác thải nhựa. Hội nghị đã tập trung thảo luận việc xây dựng hệ thống quy phạm áp dụng cho cả các nền kinh tế mới nổi và những nước đang phát triển. Các nước phát triển dự kiến công bố kế hoạch hành động trong đó có giải pháp tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa và hỗ trợ các nước đang phát triển. Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về cơ chế báo cáo định kỳ, kiểm tra lẫn nhau và mở rộng thu thập dữ liệu, phân tích để thấu hiểu tình trạng rác thải nhựa đại dương trên toàn thế giới. Một cơ sở chung đối phó với vấn đề rác thải nhựa sẽ được đặt tại Indonesia vào mùa thu năm nay.

Theo thỏa thuận quốc tế, các nước thành viên G20 sẽ tự giác triển khai các biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương và thông báo những tiến bộ đạt được định kỳ. Đây là nỗ lực của các thành viên G20 trước thực trạng rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng môi trường sống của các loài động vật biển. Theo Liên hợp quốc, mỗi năm, con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có tới tám triệu tấn trôi ra các đại dương. Phần lớn rác thải nhựa đến từ các nước châu Á, trong đó có các nước thành viên G20. Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây độc hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.

Báo cáo về mức độ ô nhiễm nhựa do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố cảnh báo, mỗi tuần, mỗi người có thể đưa vào cơ thể một chiếc thẻ ngân hàng (tương đương với 5 g nhựa). So sánh hình ảnh này cho thấy tác hại của các hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người đã tới mức báo động đỏ. Trước lời kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhiều quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa chủ yếu trong sản xuất các mỹ phẩm. Nghị viện châu Âu khuyến nghị Ủy ban châu Âu thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các hạt vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa từ nay tới năm 2020, đồng thời phải có biện pháp giảm việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện có 127 quốc gia trên thế giới đã có đạo luật liên quan việc sử dụng túi nhựa, 91 nước trong số này đã cấm hoặc hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối sản phẩm nhựa. 180 nước đã đạt được thỏa thuận giảm mạnh lượng rác thải nhựa đổ ra biển.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một gói các chính sách nhằm giảm rác thải nhựa thải trên biển như một phần trong nỗ lực nhằm nâng tầm quan trọng của vấn đề này tại Hội nghị cấp cao G20 dự kiến diễn ra tại Ô-xa-ca (Nhật Bản) vào cuối tháng này. Với một khuôn khổ quốc tế được thiết lập trong G20, việc thế giới chung tay phối hợp giải quyết một trong những vấn nạn hàng đầu về môi trường được kỳ vọng sẽ giảm bớt cho nhân loại một mối lo lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.