Chung tay

Liên hợp quốc (LHQ) hoan nghênh việc tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn quyết định đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ chung tay cùng liên minh các chính phủ, thành phố, nhà nước, doanh nghiệp và người dân thực thi kế hoạch đầy tham vọng chống chọi khủng hoảng khí hậu đang trong tình trạng báo động.

Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và thời gian đang dần cạn để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC, cũng như xây dựng các xã hội ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Trước thềm Hội nghị cấp cao của LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 26) dự kiến diễn ra tại Anh trong năm nay, LHQ mong muốn Mỹ đi đầu đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, thực thi cam kết và đóng góp tài chính hướng tới các mục tiêu tham vọng vào năm 2030. Theo LHQ, chính quyền mới của Mỹ cần lấy lại sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, thông qua việc đề ra các mục tiêu cụ thể về giảm khí thải trong lộ trình hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, khi hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã không cập nhật cam kết theo hạn chót cuối năm 2020 nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này làm rối loạn lịch trình đầy tham vọng về khí hậu đã nhất trí theo Thỏa thuận Pa-ri. Theo các cam kết khi ký Thỏa thuận Pa-ri, các nước tăng cường cắt giảm khí thải và sửa đổi mục tiêu này 5 năm một lần. Tuy nhiên, đến hạn chót ngày 31-12-2020, một số nước phát thải nhiều cho biết sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải trong thế kỷ này, nhiều nước vẫn chưa công bố các cam kết mới. Theo LHQ, đến ngày 1-1-2021, chỉ hơn 70 trong số 200 quốc gia đưa ra các mục tiêu mới, trong đó có Việt Nam.

Thế giới đang chứng kiến mức nhiệt độ tăng rất nhanh. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ba năm gồm 2016, 2019 và 2020 được ghi nhận là những năm nóng kỷ lục, trong đó năm 2020 đã vượt năm 2016 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ trung bình của Trái đất khoảng 14,9oC, cao hơn 1,2oC so với mức trung bình của giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900). Đặc trưng thời tiết bất thường của năm 2020 là nền nhiệt cao và cháy rừng liên tục. Cùng mùa siêu bão ở Đại Tây Dương, diện tích băng ở Bắc Cực luôn ở mức thấp. WMO cảnh báo, các loại khí thải tồn tại trong khí quyển luôn ở mức cao kỷ lục, nhất là khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các hình thái thời tiết cực đoan hình thành, như mưa lớn ở châu Phi, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ ấm hơn ở các vùng biển nhiệt đới. Những con số báo động này gióng lên hồi chuông cảnh báo tốc độ biến đổi khí hậu đang hủy hoại cuộc sống và sinh kế của con người.

Xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này là tham vọng của LHQ trong năm 2021. Với phương châm sống hài hòa với tự nhiên là ưu tiên hàng đầu, LHQ ước tính cần cắt giảm 7,6% lượng khí thải mỗi năm trong vòng 10 năm tới nếu muốn giới hạn độ nóng lên trên toàn cầu ở mức 1,5oC. Để đạt mục tiêu này, mọi chính phủ, tổ chức và người dân phải "vào cuộc", đồng hành trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) cho rằng, cần huy động một nửa nguồn tài chính của thế giới phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng những tác động do Trái đất ấm lên. Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu, như lập tường chống lũ, nhà ở thân thiện với môi trường và trồng các loại cây lương thực có khả năng chịu hạn... đều cần nguồn lực tài chính thích đáng. Hiện 72% các nước trên thế giới đã phê chuẩn ít nhất một kế hoạch thích ứng cấp quốc gia, song vẫn còn khoảng cách lớn trong hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển...

Tồn tại nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm chậm lại các nỗ lực đổi mới kế hoạch quốc gia về khí hậu. Tuy nhiên, việc quốc gia phát khí thải lớn thứ hai thế giới là Mỹ trở lại Thỏa thuận Pa-ri, cùng nhiều nước đưa ra mục tiêu nhiều tham vọng về cắt giảm khí thải giúp thế giới có thể kỳ vọng hơn vào nỗ lực "xanh hóa" hành tinh. 

Hải Anh