Chia sẻ tầm nhìn chiến lược

Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) và Liên hiệp châu Âu (EU) vừa chính thức nâng cấp quan hệ đối tác đối thoại giữa hai bên trở thành Đối tác chiến lược. Quyết định chiến lược này phản ánh tầm nhìn chung của hai tổ chức khu vực được đánh giá thành công nhất hiện nay, cùng xây dựng mối quan hệ đối tác gắn kết và hợp tác toàn diện, cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.

Quyết định chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23, vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh, bước đi lịch sử này khẳng định những giá trị, lợi ích nền tảng và bản chất toàn diện của mối quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và EU hơn 40 năm qua. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược chung về hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình và trật tự quốc tế rộng mở, dựa trên luật lệ.

Quan hệ giữa ASEAN và EU được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 10 vào tháng 7-1977, khi ASEAN nhất trí thiết lập quan hệ chính thức với Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Hiệp định hợp tác ASEAN - EEC được ký tháng 3-1980 đã thể chế hóa mối quan hệ hai bên, đưa EU trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Kể từ đó, quan hệ ASEAN - EU phát triển nhanh chóng và mở rộng bao trùm nhiều lĩnh vực, như chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. 

Việc ASEAN và EU nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược sau 43 năm hợp tác thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế, đáp ứng mục tiêu và mối quan tâm của cả hai bên, cũng như phù hợp tiến trình phát triển của quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa ASEAN và EU. ASEAN coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của ASEAN. EU cũng coi ASEAN là đối tác quan trọng tại châu Á, ghi nhận vai trò cầu nối của ASEAN và ủng hộ đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. ASEAN chiếm vị trí nổi bật trong định hướng của EU về đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU được thiết lập phản ánh tầm nhìn chiến lược chung của hai tổ chức khu vực, thông qua việc củng cố hợp tác, gắn kết trong mối quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển. Nâng tầm quan hệ với ASEAN, EU khẳng định ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, với nền tảng là các cơ chế và tiến trình do ASEAN dẫn dắt, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thượng tôn pháp luật. Với quan hệ Đối tác chiến lược với EU, ASEAN khuyến khích EU hợp tác thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp hội được ghi nhận trong tài liệu Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), trên cơ sở tăng cường lòng tin, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều biến chuyển nhanh và phức tạp, bất ổn địa chính trị gia tăng, chủ nghĩa đa phương lung lay trước các bước đi đơn phương và xu hướng bảo hộ, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Theo nhận định của giới chức EU, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU sẽ giúp hai bên xây dựng liên kết bền chặt hơn, vừa nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích chung, vừa thể hiện quan điểm chung là phản đối một trật tự thế giới không dựa trên luật pháp quốc tế, mà phụ thuộc sức mạnh của một vài cường quốc. Với mối quan hệ mới, cả ASEAN và EU có cơ hội tham gia nhiều hơn trong các nỗ lực định hình cấu trúc quốc tế, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, an ninh - quốc phòng và phát triển bền vững. Đây cũng là nền tảng để ASEAN và EU thúc đẩy quan hệ đối tác hiệu quả, toàn diện và sâu sắc hơn.

Đại diện cho khoảng một tỷ dân và chiếm gần một phần tư tổng giá trị kinh tế thế giới, ASEAN và EU ngày càng khẳng định vị thế là các tổ chức khu vực hoạt động hiệu quả và năng động. Việc tăng cường quan hệ đối tác gắn kết và sâu sắc hơn tạo thuận lợi để hai bên tiếp tục phát huy vị thế, chia sẻ tầm nhìn chung về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.