Chia sẻ nỗi đau

Hội nghị trực tuyến do Liên hợp quốc (LHQ) và Pháp phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều cam kết tài trợ từ các quốc gia dành cho Li-băng, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 250 triệu ơ-rô. Cộng đồng quốc tế chung tay giúp Li-băng khắc phục hậu quả vụ nổ kinh hoàng ở Bây-rút, có thể như “giọt nước tràn ly”, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Hội nghị các nhà tài trợ cho Li-băng có sự tham gia của các đại diện 30 quốc gia cùng Liên hiệp châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập, Ngân hàng Thế giới (WB), Hội Chữ thập đỏ, Ngân hàng đầu tư châu Âu, Ngân hàng phát triển và tái thiết châu Âu. Thông báo từ Điện Ê-li-dê cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định đoàn kết với người dân Li-băng và cung cấp nguồn lực quy mô lớn hỗ trợ quốc gia này. Trong số các nhà tài trợ chính, Pháp sẽ hỗ trợ 30 triệu ơ-rô, Đức viện trợ khoảng 20 triệu ơ-rô, EU cam kết hỗ trợ thêm 30 triệu ơ-rô ngoài khoản 33 triệu ơ-rô công bố trước đó, Mỹ cũng cam kết tài trợ Li-băng khoảng 15 triệu USD. Số tiền của các nhà tài trợ sẽ được phân bổ trực tiếp tới người dân Li-băng, dưới sự phối hợp điều hành của LHQ. Các bên cũng cam kết hỗ trợ dài hạn cho Li-băng.

Sáng kiến tổ chức hội nghị được Pháp đưa ra trong bối cảnh tình hình Li-băng diễn biến ngày càng phức tạp. Vụ nổ ở cảng Bây-rút đã tàn phá thủ đô, khoét sâu “vết thương” trong lòng xã hội Li-băng do khủng hoảng chính trị, kinh tế kéo dài. Vụ nổ làm tăng sự bất mãn của người dân về bộ máy chính quyền vốn bị cáo buộc quản lý yếu kém, thổi bùng sự giận dữ của nhiều người về những khó khăn mà họ đang hứng chịu, cũng như về tương lai mờ mịt mà họ đối mặt. Làn sóng biểu tình trỗi dậy ở thủ đô Bây-rút, với hàng nghìn người tham gia. Bạo lực tiếp diễn khi đụng độ nghiêm trọng xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Các văn phòng của một số cơ quan chính phủ bị người biểu tình đột nhập. Theo giới quan sát, chính phủ Li-băng đang đứng trước sức ép rất lớn khi phải chống đỡ cơn giận dữ của người biểu tình ngày càng dâng cao.

Trước vụ nổ, Li-băng đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, lên đỉnh điểm hồi tháng 10 năm ngoái khi các dòng vốn đầu tư dần chững lại trong bối cảnh xã hội bất ổn vì các cuộc biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém. Sau khi vỡ nợ lần đầu vào tháng 3-2020, Chính phủ Li-băng cam kết thực hiện cải cách và bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để có thể nhận được hàng tỷ USD viện trợ. Sau 17 phiên họp, cuộc đàm phán với IMF bị đình trệ từ tháng 7 vừa qua, do Li-băng không đồng ý với các giải pháp thắt chặt tài chính và cải cách mà IMF áp đặt. Trong tuyên bố gửi tới hội nghị quốc tế về hỗ trợ Li-băng vừa qua, Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va khẳng định, thể chế tài chính này sẵn sàng tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ Li-băng khắc phục hậu quả và tái thiết sau vụ nổ, tuy nhiên đi kèm các yêu cầu về cải cách, trong đó có khôi phục khả năng thanh toán nợ công và ổn định hệ thống tài chính của Li-băng, cũng như các biện pháp tạm thời để tránh thất thoát vốn.

Vụ nổ ở cảng Bây-rút mới đây khiến 300.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại khoảng ba tỷ USD. Theo thống kê của LHQ, ít nhất 15 cơ sở y tế, trong đó có ba bệnh viện lớn, bị phá hủy nghiêm trọng, ngoài ra hơn 120 trường học bị hư hại nặng, dẫn tới nguy cơ gián đoạn việc học của 55.000 trẻ em Li-băng. LHQ ước tính, trong ba tháng tới, chương trình hỗ trợ khẩn cấp Li-băng cần 117 triệu USD cho các dịch vụ y tế, nơi trú ẩn, thực phẩm và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với thủ đô bị phá hủy nghiêm trọng, Chính phủ Li-băng có rất nhiều điều phải làm để tái thiết đất nước. Trong khi đó, các nỗ lực cần được đẩy nhanh trước mùa đông để giảm thiểu tác động với những nạn nhân mất nhà ở...

Chia sẻ với những mất mát mà người dân Li-băng đang phải trải qua, nhiều nước đã gửi trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm; cử chuyên gia tới giúp Li-băng khắc phục hậu quả vụ nổ. Các nước, các tổ chức tài chính quốc tế kêu gọi Chính phủ Li-băng nhanh chóng triển khai các biện pháp cải cách kinh tế, đáp ứng mong mỏi của người dân. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đồng thời kêu gọi người dân Li-băng tránh lún sâu vào xung đột, đoàn kết để tập trung nỗ lực tái thiết, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.